Kinh nghiệm du lịch hành hương đức mẹ Tà Pao

Địa danh Bình Thuận

Kinh nghiệm du lịch hành hương đức mẹ Tà Pao

 

Tượng Đức Mẹ trên núi Tà Pao (gọi tắt là tượng Đức Mẹ Tà Pao; tiếng Pháp: Notre Dame de Ta Pao) nằm ở xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Đây là một trong những địa điểm bạn không thể bỏ qua khi đi du lịch miền Nam.

Tượng Đức Mẹ được đúc bằng xi măng trắng cao 3m, đặt trên một bệ vuông cao 2m. Quần thể công trình tượng đài, lễ đài Đức Mẹ Tà Pao hiện đang là một trong những trung tâm hành hương lớn của người Công giáo Việt Nam. Với tên gọi chính thức là Trung tâm Thánh Mẫu Tà Pao.

Tổng quan về du lịch Tà Pao
“Tà Pao” là tên đặt theo tiếng của dân tộc K’Ho có nghĩa là “Một giấc mơ đẹp”. (“Tà”: đẹp theo nghĩa linh thiêng, “Pao”: giấc mơ). Nhưng nếu được viết hoặc phát âm là “Tàmpao” thì có nghĩa là “Suối mơ”.
Nhân dịp đi khắp các nơi ở Bảo Lộc, chúng tôi đã chọn Đức Mẹ Tà Pao là chuyến đi cuối cùng kết thúc hành trình khám phá phố núi Bảo Lộc.

Đã nghe, đã đi, đã đến cầu nguyện… Nhưng chưa có lần nào được biết cung đường như thế nào khi chỉ toàn ngồi xe hơi chở xuống… Quyết tâm lần này đi xe máy để kể lại câu chuyện hành hương từ Bảo Lộc…
Làm thế nào để đến được khu du lịch Tà Pao
Được chỉ dẫn của các bậc tiền bối trong nhà, lò mò không biết đường đi như thế nào? Và lần đầu chúng tôi bị lạc đường. Tuy nhiên hỏi người dân địa phương cũng tới được Tà Pao…

Đường đi đến Tà Pao khá đẹp, cứ ôm tay lái chạy bon bon chẳng lo lắng điều chi. Trên đường đi ngang qua cây cầu treo ĐẠP LOA. Nước dưới câu cầu rất sạch, trong vắt thỉnh thoảng có đám trẻ ra tắm, nô đùa, nghịch nước. Thật là thú vị và hồn nhiên biết bao

Tiếp đó có cung đường khá ngoạn mục mà không giành riêng cho các tay lái yếu. Đường đèo có những khúc cua khuỷu tay, chữ U, vòng vòng ôm sát núi, những khúc cua rợn tóc gáy. Đang vào mùa người dân phơi lúa, lúa vàng trải khắp đường đi, như chực chờ ai yếu tay lái có thể “ôm đường” ngay tức khắc. Đi mãi rồi cũng đến, háo hức gửi xe rồi chạy lên viếng Đức mẹ Tà Pao trong dịp “Đức mẹ hồn xác lên trời”.
Du khách tấp nập đến Tà Pao để dự lễ
Gặp khá nhiều khách hành hương đổ về đây dự lễ, mỗi người mỗi bước nhưng leo 1 chút thôi là thấm mệt liền. Đoàn người mệt mỏi bước từng bước và nghỉ mệt. Đến đây rồi phải khái quát sơ qua cho mọi người biết: Tà Pao thuộc vùng rừng núi Tánh Linh hoang sơ, thuộc Huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình Thuận.
Có 3 ngã ba dẫn về Tà Pao:
Ngã ba căn cứ 6.
Ngã ba Ông đồn.
Ngã ba cô đơn.
Từng đoàn xe từ Vũng Tàu, Hàm Tân, Phan Thiết, Nha Trang rẽ lối vào ngã ba căn cứ 6. Ngã ba Ông Đồn là lối rẽ vào của đoàn khách từ các tỉnh Miền Tây, Sài Gòn, Đồng Nai.

Toàn cảnh khu du lịch Đức Mẹ Tà Pao Bình Thuận
Mặt bằng nơi dự lễ rộng 1 hecta, một lễ đài rộng 200m2, tượng đài Đức Mẹ cách mặt đất 70m theo chiều thẳng đứng tính từ chân núi đến tượng. Chiều dài từ chân núi (bậc cấp thứ 1) lên tới tượng Mẹ khoảng 237m với 429 bậc cấp.
Nhắc đến đường tam cấp dẫn lên trên, tôi mới nhớ ngày nào còn hoang sơ mà giờ đây đã thay đổi rõ rệt. Khi người ta mới phát hiện Đức Mẹ Tà Pao thì khi đó leo lên trên bằng đôi chân trần của mình, dốc thẳng đứng, người lên rồi người tụt rất vất vả lên mà cứ bị ngã hoài. Có người sức khỏe không tốt, bệnh tật thì thuê của người địa phương cõng lên.

Giờ đây có bậc tam cấp rồi nên lên xuống cũng dễ dàng hơn trước. Nhưng quên sao được những ngày đầu mọi người xây dựng đường đi lên. Gian nan ngày tháng phá núi, xây đường. Giờ được như hiện tại, có đẹp hông? Thật không uổng công những người đã làm.
Tại núi Tà Pao này, tượng đài Mẹ đã có sẵn đây gần nửa thế kỷ. Nằm giữa núi rừng nguyên sinh, cây cối rậm rạp, không mấy ai biết đến. Nhưng từ bảy năm nay, một số anh em giáo dân bất ngờ khám phá ra sự hiện diện kỳ diệu của Mẹ.
Tượng đức Mẹ Tà Pao biểu tượng của Bình Thuận
Đức Mẹ vốn có nhiều danh hiệu, ngoài những danh hiệu Thần học như Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa, Đức Mẹ hồn xác lên trời…. Lại có những danh hiệu liên hệ với những địa danh Mẹ muốn dùng làm nơi gặp gỡ đặc biệt các con cái Mẹ. Như Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima.
Ở Việt Nam chúng ta có Đức Mẹ Trà Kiệu, Đức Mẹ La Vang… Trên triền núi, bên kia sông La ngà thấp thoáng những nhóm người hướng về dự lễ. Niềm tin Mẹ đang hiện diện và sẵn sàng nâng đỡ ủi an con cái Mẹ giữa cuộc đời gian nan đau khổ càng ngày càng tăng. Và cho đến nay, địa danh linh thiêng này đã thành quen thuộc với khách hành hương từ thập phương đổ về.

Những bài ca dâng kính Mẹ được mọi người hát lên bằng cả con tim yêu mến. Họ hát sốt mến như cầu nguyện những bài ca dâng Mẹ Tà pao. Lời ru trước ngàn năm mới của Anna Thiên Thanh, Đức Mẹ Tà Pao của Kim Long, Jos Hùng, Linh Huyền Dung phổ nhạc thơ Xuân Ly Băng…
Dự lễ lúc đó mọi người hát mà cho đến tối vẫn còn văng vẳng bên tai những câu hát. Xin vâng, Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng, hôm qua hôm nay và ngày mai… Xin vâng, Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng, hôm qua hôm nay và suốt đời…..

Đó là những kinh nghiệm du lịch phượt của chúng tôi đến hành hương đức mẹ Tà Pao. Còn với bạn thì sao, bạn có thể lựa chọn cho mình một tour du lịch đến Tà Pao vừa an toàn lại vừa đáp ứng được nhu cầu của bạn.

 

Nguồn sưu tầm

Checkinvietnam