Cù Lao Câu hay Cù Lao Cau, Hòn Cau là tên gọi của một hòn đảo nhỏ thuộc huyện Tuy Phong (Bình Thuận), cách thành phố Phan Thiết khoảng 110km về hướng Đông Bắc. Hòn Cau hết sức hoang sơ với nước biển xanh ngắt, được bao bọc bởi hàng vạn khối đá có màu sắc và hình thù khác nhau. |
Cù Lao Câu là một đảo nhỏ và rất hoang sơ nên dễ dàng cho những người yêu thích khám phá đi hết trong một ngày. Ngoài nguồn từ nước mưa thì trên đảo chỉ có một nguồn nước ngọt duy nhất lấy từ Giếng Tiên. Vì vậy đảo chỉ thích hợp với những người yêu thiên nhiên, thích du lịch mạo hiểm và ưa khám phá.
Ở Cù Lao Câu ngoài việc tắm ở những bãi biển trong vắt có thể nhìn thấy tận đáy hay ngắm nhìn “bức tường thành đá” với những hình dạng kỳ lạ bao quanh hòn đảo thì còn rất nhiều điều để những người yêu khám phá có thể trải nghiệm. Những điểm thu hút khách du lịch tại Hòn Cau là hang yến, hang Ba Hòn, tại đây cũng có những địa danh được dân đi biển đặt tên như hang Tình Yêu, khe Sung Sướng, bãi tắm Tiên, bãi San Hô, bãi cá Suốt…
Hang yến có hàng trăm con chim yến làm tổ. Trước đây dân đi biển hoặc dân lấy yến thường ra đây để khai thác trứng và tổ yến nhưng hiện tại có sự bảo vệ của doanh trại bộ đội biên phòng trên đảo nên yến sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều và vẫn giữ được những nét hoang sơ. Ngay cạnh hang Yến là hang Ba Hòn, hang được tạo ra bởi 3 tảng đá lớn dựng đứng, hình dáng rất độc đáo và lý thú.
Trên đảo có một đền thờ thần Nam Hải – thờ cá Ông dành cho dân đi biển ghé cầu và hàng năm đều có lễ hội vào rằm tháng Tư.
Điểm độc đáo nhất của Hòn Cau chính là vùng nước xung quanh với sự hiện diện của hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình. Hòn Cau có nhiều lợi thế về đa dạng sinh học, với các vùng rạn san hô, đá ngầm, thảm cỏ biển, và nền đáy cát là những sinh cảnh quan trọng, có giá trị lớn về đa dạng sinh học. Nơi này đã được quy hoạch thành hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020.
Lặn biển tại Hòn Cau là một trải nghiệm vô cùng độc đáo. Điểm đặc biệt của Hòn Cau là quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô. Chỉ cần lặn sâu xuống 4 – 5m, bức tranh đầy sắc màu của thế giới san hô hiện ra lung linh dưới ánh sáng khúc xạ qua làn nước trong xanh.
Vì là đảo nhỏ, hoang sơ và do bộ đội biên phòng quản lý nên nơi đây gần như không có dịch vụ gì cho khách du lịch nghỉ qua đêm, chỉ có một quán nhỏ của ông Tư Hữu. Ông Tư Hữu là người đã gắn bó cả đời với Cù Lao Câu, ông thuộc từng hòn đá, từng hang hốc trên hòn đảo nhỏ và là một hướng dẫn viên du lịch với rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm phong phú.
Bình thường, khách du lịch ở đây một ngày sau đó lại về bờ nghỉ ngơi, tuy nhiên, nếu muốn nghỉ qua đêm thì bạn có thể xin phép bộ đội biên phòng để có cơ hội cắm trại nằm nghe sóng vỗ rì rào dưới bầu trời sao lấp lánh, hoàn toàn cách biệt với thế giới công nghệ vì ở đây không có điện, chỉ có năng lượng mặt trời
Đặc sản tại Hòn Cau là ốc vú nàng, cua mặt trăng, cùi sò hoặc bạn có thể tự bắt nhum biển, bắt còng dọc bờ biển để nướng hoặc nấu cháo.
Ở đảo chia ra thành 2 mùa rõ rệt: mùa gió nam và mùa gió bấc. Vào khoảng tháng 1 đến tháng 6 âm lịch hàng năm, biển êm sóng lặng, có nhiều tàu thuyền neo đậu tấp nập qua đảo, khí hậu trong lành và mát mẻ rất thuận tiện cho việc đi chơi ở đảo. Từ đất liền đi ra đảo Cù Lao Câu có thể đi bằng nhiều cách như cảng cá Phước Thể, thị trấn Liên Hương, cảng Cà Ná, xã Vĩnh Tân… bằng các phương tiện như tàu gỗ của ngư dân, tàu dịch vụ hoặc cano của trung tâm bảo tồn biển.
Cù Lao Câu không có bến tàu dân sự mà chỉ có bến tàu quân sự nên các tàu cá hoặc cano không cập vào bờ được, tàu sẽ dừng cách bờ một quãng, khách du lịch sẽ được di chuyển vào bờ bằng thuyền thúng. Hiện nay, Hòn Cau cũng là một trong những bãi biển hiếm hoi của Việt Nam có rùa lên đẻ trứng vào khoảng tháng 5 đến tháng 9 hàng năm.
|
BẠCH DƯƠNG (Báo nhân dân) |