Truyền thuyết Núi Ông, Thác Bà
Rẽ phải thị trấn Lạc Tánh của huyện Tánh Linh, chiếc xe ô tô chầm chậm trên con đường nhựa đưa chúng tôi đến với khu rừng nguyên sinh dưới chân Núi Ông, nơi có ngọn Thác Bà nổi tiếng. Trước mắt tôi lúc này là cánh rừng ngút ngàn trải rộng. Rừng nơi đây được bảo tồn, quản lý nghiêm ngặt, từng cây gỗ dù nhỏ, lớn đều được kiểm kê gắn bảng ghi tên.
Đã rất lâu rồi tôi mới tìm được cái cảm giác thanh thản, nhẹ nhàng pha chút đìu hiu u tịch giữa tứ bề rừng xanh rợp bóng. Cánh rừng nguyên sinh trải rộng dưới chân Núi Ông. Ngọn núi hùng vĩ cao trên 1.300 m nằm cuối Trường Sơn với hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm. Riêng khu bảo tồn Núi Ông có diện tích rừng trên 23.000 ha với 332 loài thực vật, trong đó có những loài đặc biệt quý hiếm như gõ đỏ Afzelia xylocarpa, trắc Dalbergia bariensis… cùng với những sản vật rừng giá trị như trầm hương, kỳ nam… Động vật trong khu bảo tồn được ghi nhận có 52 loài thú, 96 loài chim, 21 loài bò sát, 7 loài ếch nhái và 22 loài cá, trong đó có những loài đang bị đe dọa tiệt chủng toàn cầu như vọoc vá chân đen, vượn đen má hung…
Với người dân Tánh Linh, Núi Ông và Thác Bà ẩn chứa nhiều huyền bí đan xen những truyền thuyết ly kỳ.
Chuyện rằng, xưa kia trên đỉnh Núi Ông có đôi vợ chồng yêu nhau thắm thiết, một hôm chồng rời núi đến nhà bạn đánh cờ. Ván cờ kéo dài trong sự mỏi mòn đợi chờ của người vợ, chờ đến khi tóc trắng như mây rồi cô đơn chết hóa thành dòng thác. Cờ tàn cuộc, người chồng về, quá thương nhớ vợ nên chết theo và hóa thành Núi Ông để mãi mãi được ôm ấp người vợ hiền chung thủy.
Truyền thuyết cho rằng ở dãy Núi Ông có con bạch tượng cổ đeo vòng ngọc với cặp ngà dài cong vút. Người ta đồn, ấy là voi của chúa Nguyễn Ánh bỏ lại khi bị quân Tây Sơn truy kích. Những người đi tìm trầm còn kể lại họ đã nhìn thấy một thanh bảo kiếm cắm sâu trên vách núi. Hư thực ra sao chưa rõ, nhưng điều chắc chắn trong cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ, trên đường chạy trốn quân Tây Sơn, quân của Nguyễn Ánh đang lúc sức cùng lực tận, gặp phải vùng đất phì nhiêu rộng hàng ngàn ha, Nguyễn Ánh đã cho quân dừng lại khai khẩn cấy cày, lấy lương thực nuôi binh. Từ đó cánh đồng có tên là đồng Gia Long. Mãi đến năm 1959, khi dinh điền Huy Khiêm được khai mở. Cánh đồng nghìn mẫu được chính quyền Ngô Đình Diệm đặt lại tên đồng nghìn mẫu Trần Lệ Xuân.
Gần hơn, trong cuộc chiến vệ quốc kéo dài 20 năm, rừng Núi Ông trở thành cứ địa của quân giải phóng. Nơi đây, đâu đó vẫn còn lưu lại những dấu tích của một thời oanh liệt.
Buổi sáng giữa núi rừng hùng vĩ, tiếng vượn hú, chim kêu hòa cùng tiếng gió reo, thác đổ tạo thành bản hòa âm bất tận. Thong dong dạo bước dưới những tán rừng, tôi tìm xưa trong cánh hoa rừng còn rưng rưng sương sớm.
Rừng đã vậy, Thác Bà ở đây còn kỳ vĩ hơn. 9 ngọn thác cao vòi vọi chồng lên nhau rót từ đỉnh Núi Ông xuống chia thành 3 tầng, xa trông giống như dải lụa trắng. Dưới chân thác, tiếng suối róc rách nhẹ như mây. Màu trời lơ lững trôi bâng khuâng trên bóng nước. Tôi như bước vào thế giới khác hẳn, bước vào bức tranh sơn thủy hữu tình. Ở đó có những nàng tiên nô đùa bên suối vắng, có cô sơn nữ hái hoa rừng thả trôi theo dòng nước, có cụ già tóc trắng phơ ôm cần câu chờ đợi, những chàng trai da sạm nắng ngồi nhắm rượu nồng bên bếp lửa reo vui.
Núi Ông, Thác Bà là vậy, hoang vu và bí ẩn, kỳ vĩ và nên thơ. Một lần đến ra về nghe bâng khuâng nỗi nhớ.
Gia Linh