Lễ phơi y trang PÔ DAM của người Raglai xã Phan Điền
Theo tập tục của người Raglai, cũng giống như người Chăm, con gái út là người được thừa kế và đứng ra tổ chức các nghi thức chính của dòng tộc.
Người Raglai ở xã Phan Điền, có một tộc Masuh là hậu duệ của vua Pô Dam, có mối quan hệ mật thiết với người Chăm ở thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong. Hiện nay, tộc họ này còn lưu giữ Ciét atau (vật đựng đồ linh thiêng, quan trọng của dòng tộc) của Pô Dam bao gồm: 08 sắc phong, 01 bộ áo truyền thống Chăm (Aw thrah), 01 tấm váy đen xọc (Aban), 01 dây lưng dệt hoa văn hai mặt (talei ka-ing makam) và 01 chiếc quạt giấy màu xanh nước biển.
Theo tập tục của người Raglai, cũng giống như người Chăm, con gái út là người được thừa kế và đứng ra tổ chức các nghi thức chính của dòng tộc. Hàng năm, cứ vào ngày thứ Tư tháng 12 Âm lịch, con cháu tộc họ làm lễ cúng phơi y trang của Pô Dam là vị vua người Chăm có công lớn trong việc hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân khai khẩn đất đai, khai con mương và thiết lập hệ thống công trình thuỷ lợi để tưới tiêu đồng ruộng, hoa màu ổn định đời sống kinh tế cho muôn dân, cho nên được dân chúng kính trọng, mến phục lập đền thờ phụng tưởng nhớ công đức Pô Dam ở khắp các nơi trong tỉnh Bình Thuận như: Nhóm đền tháp Pô Dam xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong; Đền thờ Pô Dam ở thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc; Đền thờ Pô Dam ở Lạc Tánh, huyện Tánh Linh; Đền thờ Pô Dam tại xóm Châu Vượng (phía Đông núi Tàu – Châu Rế thuộc huyện Tuy Phong, nay đã điêu tàn); Đền thờ Pô Dam làng Tà Chung, xã Đạ Loan – Đức Trọng – Lâm Đồng; Đền thờ Pô Dam Mâh tại Rò Cà Nương (làng Xuân Quang, thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình); Đền thờ Pô Dam Tih (ở palei Kai Ghul còn gọi là động Ngọc Sơn – xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình). Ngoài ra, còn có nhiều đá thờ Pô Dam ở một số nơi khác trong tỉnh.
Chủ lễ thay thế dòng tộc, dân làng thực hiện nghi thức cúng là ông Camanei (người giữ đền, tháp). Lễ vật cúng bao gồm: trầu cau, 2 trứng vịt, 4 chén cơm, 2 chén gạo, 1 bình rượu cần và 2 con gà (trong đó, phải có 1 con gà trống lông trắng). 1 con là do dân làng góp tiền mua để cúng cho Pô Dam cầu mong điều bình an, 1 con là do tộc họ Masuh cúng. Mục đích cúng tế ngoài việc kiểm tra, bảo quản đồ vật của Pô Dam đảm bảo còn nguyện vẹn (vì các ngày thường, trong dòng tộc không ai được phép mở Ciét atau), cúng tế còn cầu mong cho dân làng làm ăn được mùa và ít bệnh tật, các con cháu hạnh phúc, sinh sôi nảy nở.
Ông Camanei đang thực hiện nghi thức cúng
Mở đầu nghi thức lễ, ông Camanei xin phép mở gương đựng y trang của Pô Dam bằng tiếng Raglai. Sau khi mở gương, ông tiếp tục khấn vái, lời khấn như sau “Kính thỉnh Ngài! Con xin ngồi tại bàn tổ lễ kính báo cho Ngài được biết, được nghe. Con đây xin cầu Pô, Pô Dam đẹp trai, có tài trị thủy. Kính thỉnh Ngài quá bước ngự tại bàn lễ, Ngài ngự tại đây, cùng với các ông Từ giữ vật Ngài là ông Đại, ông Thơ, ông Lương. Hỡi Ngài! Xin mời Ngài ngự tại bàn lễ, Ngài ngự tại đây, có bà con người Raglai Phan Dũng, Phan Điền đến phơi y trang của Ngài, xin Ngài ban phước lành, cho mưa thuận gió hòa, để cho bà con được mùa cây trái, xin Ngài ban phước lành cho ông Lầu làm chủ làng. Hôm nay làm lễ dâng cúng cho Ngài, cầu xin Ngài ban phước lành cho con cháu, trâu bò, cho bà con làm lúa được lúa, làm bắp được bắp, làm mè được mè”…Sau đó, người trưởng tộc sẽ lấy tất cả y trang, sắc phong, văn tự ra phơi trên sào làm bằng lồ ô hoặc tre, không được phép để y trang, sắc phong, văn tự chạm xuống mặt đất, như vậy mới tỏ lòng thành kính đối với báo vật của ông cha để lại.
Ông Mang Tinh – Trưởng tộc phơi y trang Pô Dam
Kết thúc nghi thức lễ, bà con cùng dòng tộc Masuh ngồi quây quần bên nhau uống mừng ly rượu lộc. Sau đó, gom và xếp y trang, sắc phong, văn tự lại một cách gọn gàng, trân trọng, bỏ vào gương một cách cẩn thận và trao lại cho con gái út trong tộc họ là bà Hoàng Thị Gương lưu giữ. Theo lời kể của ông Mang Lầu – Trưởng tộc Musuh: “Ngày xưa vùng đất nơi này thuộc tổng La Bá được sự trông coi của ông Tổng Cai Lý Ôn là ông nội của ông Mang Tình đã nhận được các sắc phong của các vua triều Nguyễn ban tặng cho Pô Dam. Ông nghe cha ông xưa kể lại vợ nhỏ của Pô Dam là người Raglai thuộc dòng họ Masuh. Do chiến tranh nên Pô Dam đã đưa y trang và một số báu vật quý đưa cho vợ nhỏ cất giữ rồi Ngài đi nơi khác lánh nạn. Do đó, cứ vào dịp lễ cúng tế tại tháp Pô Dam ở xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong thì bà con Raglai thuộc họ Masuh, xã Phan Điền đều mang Ciét atau đựng y trang, sắc phong, các văn tự và lễ vật gồm trầu cau và một buồng chuối đến cùng tham gia cúng kính lễ tại tháp Pô Dam”.
Từ năm 2007 đến nay, do điều kiện tài chính khó khăn, nên vào dịp lễ cúng Pô Dam tại xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, người Raglai trong tộc Masuh chỉ đại diện một số người lớn tuổi đi dự, không còn hình thành cả đoàn để mang lễ vật xuống cúng tế như trước đây.
Lễ phơi y trang Pô Dam của người Raglai thuộc dòng họ Musuh ở xã Phan Điền diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn và nghi thức lễ cũng đơn giản, nhưng lại là một trong những nghi thức lễ đặc thù, thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa người Chăm và người Raglai mà chỉ có người Raglai thuộc dòng tộc Musuh ở xã Phan Điền mới có và lưu truyền đến ngày nay./.
Nguồn sưu tầm
Bài và ảnh: Lư Thái Tuyên, Bảo Thi