Làng nghề bánh tráng Chợ Lầu tất bật phục vụ tết
Chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, làng nghề bánh tráng truyền thống ở Chợ Lầu, huyện Bắc Bình đang tăng tốc sản xuất phục vụ thị trường tết.
Làm không kịp giao
Những ngày này đến làng nghề bánh tráng Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, Bình Thuận mới thấy được sự vội vã, tất bật của các lò sản xuất bánh tráng, bởi nghề này rất hút khách vào dịp tết. Năm nay cuối năm mưa bão nhiều, chỉ tập trung những ngày cận tết nên chủ các lò bánh trong thế bị động không đáp ứng kịp khi nhiều khách hàng gọi điện tới tấp đặt hàng bán tết.
Ông Hồ Ngọc Nhơn, ở khu phố Xuân Hội, thị trấn Chợ Lầu chia sẻ, ông theo nghề tráng bánh này từ thời bà ngoại ông, đến nay đã 35 năm tuổi nghề. Khác với những lò bánh khác sản xuất hai loại bánh gồm bánh tráng dày gọi là bánh nướng và bánh tráng mỏng – loại bánh nhúng nước cuộn măng kho thịt, củ kiệu muối chua, rau sống… thưởng thức vào dịp tết, gia đình ông chỉ làm bánh mỏng. Những năm trước thời tiết tốt đáp ứng đủ bánh ra thị trường trong và ngoài huyện, năm 2024 mưa nhiều không đáp ứng đủ. Các mối gọi đến đặt hàng làm không kịp, mặc dù gia đình ông thức khuya dậy sớm làm bánh.
Bánh tráng phơi tại làng nghề.
Ngoài cung cấp cho các mối bán cố định ở các chợ Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết thì có nhiều khách hàng đến đặt bánh nhà ông Nhơn để ăn tết hoặc gửi cho bạn bè, người thân ở xa. Giá bánh có nhiều mức, từ 1.500 – 2.500 đồng/cái bánh mỏng, có những mối hàng đặt 5 đến 10 thiên, mỗi thiên 1.000 chiếc bánh, nên ông phải tăng tốc sản xuất đến 27, 28/12 âm lịch giáp tết mới nghỉ.
Với lò bánh của bà Sáu, một trong những lò lớn nhất làng nghề, còn tất bật hơn vì bà sản xuất cả bánh tráng nướng bỏ mối cho các nhà hàng, quán nhậu. Bánh của bà không chỉ dừng lại trong huyện và địa phương lân cận mà còn đến thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, đảo Phú Quý, thậm chí là TP.HCM. Bà Sáu cho biết, ngày bình thường tráng ít hơn, chủ yếu bỏ mối, nhưng vào mùa tết cuối năm vừa làm bỏ mối vừa cho khách hàng đặt ăn tết. Cũng như hộ ông Nhơn, những ngày qua mối hàng của bà Sáu gọi điện liên tục vì làm không kịp.
Ông Nhơn phơi bánh.
Chính vì vậy, không chỉ ông Nhơn, bà Sáu mà còn chủ lò bánh khác đã từ chối nhiều người đặt làm bánh tặng cho bạn bè, người thân ở xa, tập trung làm giúp cho các mối. Điều này không có gì là lạ khi ai trong giới kinh doanh gặp tình huống này cũng phải ưu tiên cho mối hàng để duy trì “nuôi sống” nghề. Bà Hoài Xuân ở thị trấn Chợ Lầu, một trong những người đặt bánh tặng người thân ở xa tại một lò bánh, kể giọng bình thản khi nhận tin nhắn từ chủ lò bánh: Mình đặt cách đây 1 tuần, nay họ báo lại không có bánh vì làm không kịp. Những năm trước đặt là có, nhưng năm nay nhiều lò bánh chuẩn bị hàng tết không kịp.
Một trong những lò bánh tất bật tráng phục vụ tết.
Giữ lửa nghề truyền thống
Theo UBND thị trấn Chợ Lầu, đến nay toàn làng nghề có 43 lò bánh tráng, trong đó tập trung chủ yếu ở các khu phố Xuân Hội, Xuân An 1, Xuân An 2… trong đó Xuân Hội nhiều hơn. Ông Phan Văn Hà – Trưởng khu phố Xuân Hội cho biết, toàn khu phố có hơn 500 hộ, chủ yếu sống bằng nghề nông, trong đó có 18 hộ làm nghề bánh tráng theo kiểu cha truyền con nối. Nghề này ổn định, đầu ra không lo nên kinh tế các hộ đều khá giả, có điều kiện chăm lo con cái học hành đến nơi đến chốn. Những ngày này hầu hết họ đang tập trung làm để kịp giao bánh cho các mối hàng hoặc người dân đến mua.
Bánh tráng Chợ Lầu có từ lâu đời, nổi tiếng ngon nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các công đoạn của quy trình sản xuất và có bí quyết riêng ở kỹ thuật pha chế bột để đảm bảo cho chất lượng của từng loại bánh. Nhờ vậy hàng năm cứ vào dịp tết đến xuân về khắp nơi trong tỉnh tìm đến mua.
…và nướng bánh bỏ cho các nhà hàng, quán nhậu.
Ông Nguyễn Hoài Bảo – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Lầu cho biết, làng nghề bánh tráng của thị trấn đang ngày càng phát triển, năm 2021 có 38 lò, đến nay tăng lên 43 lò, giải quyết việc làm cho gần 90 lao động. Các lò hoạt động mạnh vào dịp tết, ngày thường chủ yếu làm bán cho những mối hàng có nhu cầu. Hiện nay, hầu hết các hộ đã chuyển sang tráng bánh tráng bằng lò điện thay vì lò trấu, thuận lợi hơn cho việc nâng cao chất lượng bánh. Trong đó có nhiều lò được các ngành chức năng có liên quan hỗ trợ.
Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện cho biết, phòng đang khuyến khích, vận động các hộ sản xuất bánh tráng giữ lửa với nghề truyền thống, tự tin tham gia, phát triển sản phẩm OCOP.
Ninh Chinh