Con đường rừng Phan Dũng đi Tà Năng không dài lắm nhưng ngoằn ngoèo, nhiều đồi dốc và suối sâu. Dường như từ khi ngành chức năng cắm 30 biển báo, chỉ dẫn trên tuyến đường mòn này thì các phượt thủ và tour du lịch qua lại nhiều và an toàn hơn. Họ khám phá cả khu rừng già lâu nay ít người qua lại.
Khu rừng già nguyên sinh.
Gặp phượt thủ Nguyễn Văn Thành (quận 5, thành phố Hồ Chí Minh) tại trung tâm xã Phan Dũng, anh chia sẻ: “Hôm nay là ngày thứ ba đoàn phượt đi từ Tà Năng đến Phan Dũng. Trên đường về đoàn dừng chân nghỉ mệt tại đập Phùm và tham quan khu rừng già nguyên sinh kỳ vĩ. Từ xa mọi người đã nghe âm thanh con suối chảy róc rách qua các bậc đá.
Suối Phùm.
Khu vực này khá mát mẻ có nhiều cây gỗ quý thân to hai người ôm không xuể, ngọn cao chót vót. Dưới tán rừng già nhiều loài hoa dại khoe sắc. Ra khỏi khu rừng hai bên bờ suối Phùm là những rẫy bắp, rẫy lúa đang trổ bông của đồng bào dân tộc Rắc Lây, xen kẽ có những vườn cây trái xanh tốt…”. Tay chống gậy, vai khoác ba lô cá nhân, đôi chân mò mẫm từng bước nhỏ để băng qua con suối. Cả đoàn mệt nhừ sau quãng đường dài băng rừng, nhưng ai cũng sảng khoái, cười vui hết cỡ. Đó là hình ảnh chuyến du lịch rừng già ở Phan Dũng của nhóm bạn trẻ thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Mang Nông, một lão nông xã Phan Dũng tuổi ngoài 70 cho hay: “Con suối Phùm bắt nguồn từ khu rừng Phan Dũng (Bình Thuận) và Đức Trọng (Lâm Đồng) chạy dài hàng chục cây số uốn cong và len lỏi giữa khu rừng già, rồi hòa nhập vào dòng chảy thác Yaly – một ngọn thác đổ từ độ cao 150m xuống, nằm trong khe núi Tà Hoàng, khu rừng phòng hộ Phan Dũng, sau đó đổ về hồ thủy lợi Sông Lòng Sông. Thoạt đầu đập Phùm chỉ với mục đích giữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của bà con ở khu vực gần rừng, nhưng từ khi có tuyến đường du lịch Phan Dũng – Tà Năng mở ra đập Phùng được nhiều người biết đến và trở thành điểm dừng chân lý tưởng của bao lữ khách. Bởi bao quanh đập Phùm là khu rừng nguyên sinh kỳ vĩ, nhiều thảm thực vật cây bụi, hoa rừng đủ sắc màu, tỏa hương thơm ngát nhờ nguồn nước suối tự nhiên mang lại. Để giữ nước tưới cho cây trồng, từ lâu người dân nơi đây đã lấy đá chặn dòng suối Phùm. Vì thế, phía trên đập nước mênh mông tỏa mát khu rừng…”.
Trong khu rừng già yên tĩnh, tiếng suối róc rách hòa trong tiếng chim hót líu lo gọi đàn nghe âm thanh như bản nhạc du dương quyến rũ, thật dễ chịu. Hầu như cuộc hành trình nào của các phượt thủ trên tuyến đường này cũng đều ghé nghỉ chân tại đập Phùm. Họ không chỉ dừng chân nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe mà còn chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên, núi rừng hùng vĩ. Những khối đá to đùng trên dòng suối qua thời gian nước bào mòn tạo nên những con rồng đá, hang cọp, hang ếch, nơi cá linh hội tụ nhiều vô kể. Quanh đập Phùm là mảng thiên nhiên tuyệt đẹp tựa như bức tranh sơn thủy. Cung đường phượt xuyên rừng Tà Năng – Phan Dũng trở nên ấn tượng khi có đập Phùm, một điểm dừng chân lý tưởng của lữ khách. Khí hậu ở vùng núi trong lành và dòng suối Phùm nước mát quanh năm, cùng với phong cảnh núi rừng hùng vĩ nơi đây khiến cho bao lữ khách thả hồn vào bức tranh thiên nhiên sống động. Cánh rừng già Phan Dũng nơi có dòng suối Phùm thơ mộng kỳ vọng sẽ là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.
ĐÌNH HOÀ