Đánh thức vùng biển mũi Cá Chai
Suốt chiều dài hơn 5km bờ biển dường như đang nguyên sơ và ít người qua lại, mũi Cá Chai (Hòa Thắng – Bắc Bình) chỉ có những chiếc thuyền nhỏ bồng bềnh kéo lưới ven bờ. Cuối tháng 10, nắng và mưa đan xen. Bụi cát của “tiểu sa mạc” đỡ hơn những ngày hè, nhưng gió vẫn thổi mạnh.
Vùng biển mũi Cá Chai Bắc Bình
Hơn 2 giờ đồng hồ đoàn chúng tôi đã đến vùng biển Hòa Thắng. Anh Nguyễn Long, người dân Hòa Thắng chỉ cho chúng tôi xem những chiếc thuyền con, những chiếc thúng chai lắc lư, nhấp nhô trên mặt biển xanh. Anh chia sẻ: “Biển nơi đây rất nhiều cá chai. Loại cá này không lớn lắm chỉ dài chừng 15 – 20cm, rất ít con dài 40cm, chúng tụ tập kiếm mồi gần cửa sông, suối. Cá chai nhìn bề ngoài thô ráp, gồ ghề, có con to hơn cổ tay người lớn, da xám, thân dài, đuôi nhọn, đầu tròn to dẹt và hai mắt lồi. Bề ngoài xấu xí, nhưng thịt cá thơm, dai, chắc và ngon như thịt gà, rất ít xương nhỏ, phần thịt ở đầu cá có nhiều canxi, vitamin D tự nhiên.
Cá chai
Vì thế, cá chai có tên trong danh sách “đặc sản” của các nhà hàng, khách sạn cao cấp ven biển Bình Thuận…”. Anh Long giới thiệu thêm: “Ngon nhất là món cá chai nướng bếp than hồng, nướng trui, cá chai kho keo, kho rim hay kho tộ với nghệ tươi… Tuy những món ăn từ cá chai thật dân dã, nhưng mang đến cho lữ khách, nhất là những người lần đầu thưởng thức thịt cá chai thì không thể nào quên được hương vị thơm ngon của nó. Là hàng đặc sản, có giá trị kinh tế cao nên nhiều ngư dân vùng biển Bắc Bình, Tuy Phong và cả vùng làng chài Mũi Né thường đến mũi Cá Chai thả lưới đánh bắt loại cá này… Chính vì thế, mà từ lâu mũi đá nhô ra mặt biển nơi đây được người dân địa phương quen gọi là mũi Cá Chai”.
Buổi sớm trên mũi Cá Chai
Núi đá ở đây không nhiều mõm đá, hang động mà lởm chởm những phiến đá bị bào mòn qua thời gian bởi sóng, gió. Xen kẽ những mũi đá nhô ra biển là bãi cát trắng uốn cong như cung tên, nước trong xanh. Khi thủy triều xuống mặt đá nơi đây trông như tấm phản khổng lồ, ngư dân đánh cá gần bờ thường ghé vào ngồi nghỉ ngơi, thư giãn. Khi thủy triều lên đá lại chìm trong nước, nhường chỗ cho bao con sóng vỗ về mũi đá. Khu vực mũi Cá Chai có 2 phần riêng biệt. Một bên là núi thấp ven biển, trên lưng núi mùa nắng chỉ có cây bụi mới tồn tại được; sang những tháng mùa mưa thì cây bụi, cây cỏ trở nên xanh tươi, hoa dại đua nhau nở rực dưới ánh nắng vàng; còn một bên là biển xanh, sóng vỗ vào gành đá. Núi đá nơi đây lởm chởm, sắc nhọn, dựng đứng với nhiều hình dạng khác nhau; mũi đá nhô ra biển thoạt nhìn có hình thù kỳ lạ tựa như đầu cá chai khổng lồ đang há miệng vươn mình ra đại dương. Thật kỳ diệu là mỗi khi những con sóng lớn đập vào mũi đá, qua kẽ hở nhỏ lộ thiên nước biển phun lên cao, ánh nắng mặt trời phản chiếu tạo nên bao sắc màu kỳ ảo trên mũi đá.
Con đường vào mũi Cá Chai (còn gọi là mũi Dựng) thuộc vùng biển Hòa Thắng khó đi vì cát nóng, cát bay nên thường chỉ có những phượt thủ hay những người thích khám phá mới đến tận nơi hoặc dừng chân nghỉ đêm ngắm cảnh bình minh, khám phá những điều kỳ lạ từ thiên nhiên biển Hòa Thắng. Song, giờ đây thắng cảnh mũi Cá Chai mang vẻ đẹp nguyên sơ, sắc màu kỳ ảo đang được đánh thức, bởi một số nhà đầu tư đã khám phá và hoạch định phát triển du lịch sinh thái khu vực này.
Đình Hòa