NDĐT- Ngày 28-9 (mùng 1 tháng 7 lịch Chăm), tại tháp Pô Klong Garai, phường Đô Vinh, TP Phan Rang – Tháp Chàm, hàng nghìn người đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn cùng du khách trong nước và quốc tế hòa chung niềm vui đón Lễ hội Katê năm 2019. Đây là một sự kiện lớn thường niên được tổ chức hằng năm của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận.
Điệu múa quạt và trang phục truyền thống của người Chăm tạo nên nét văn hoá độc đáo và đa dạng tại lễ hội.
Tháp Pô Klong Garai là nơi thờ vị vua Pô Klong Garai (1151 – 1205), người được dân tộc Chăm suy tôn là “Thần Thủy lợi”. Nơi đây, được tổ chức Lễ hội Katê chính thức hằng năm theo nghi lễ truyền thống tại các đền tháp.
Trong không gian rộng lớn, các vị chức sắc Chăm thay mặt cộng đồng bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn tổ tiên đã độ trì cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi gia đình được no cơm, ấm áo; cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm chăm lo đời sống đồng bào ngày càng khấm khá nên diện mạo các làng Chăm ngày càng đổi thay tươi đẹp hơn….
Tại các làng Chăm, tất cả nhà ở của đồng bào đều treo cờ Tổ quốc đỏ rực; đường giao thông liên thôn, liên xã đều sạch đẹp; đâu đâu cũng thấy treo băng rôn, khẩu hiệu chào mừng lễ hội. Vụ hè thu năm nay trúng mùa nên không khí Lễ hội Katê rất nhộn nhịp. Hiện tại, số nhà xây kiên cố, to đẹp tại các làng Chăm ngày càng nhiều; thế hệ trẻ người Chăm được học hành thành đạt, nhiều người là bác sĩ, kỹ sư, nhạc sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo viên… đang làm việc trên mọi miền đất nước, góp phần phục vụ tốt cho xã hội. Đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn xem Lễ hội Katê là ngày Tết hằng năm của cộng đồng mình. Một ngày trước khi diễn ra lễ hội chính thức, tại các đền tháp Pô Nưgar ở thôn Hữu Đức, tháp Pô Rômê ở thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, hàng nghìn đồng bào dân tộc Chăm, Ra Glai đã tề tựu, làm lễ đón rước y trang của nữ thần Pô Nưgar – Thần mẹ thủy tổ của người Chăm. Tương truyền, vị thần này đã dạy cho con cháu trồng lúa, trồng bông, dệt vải và các phong tục cúng trong lễ hội được lưu giữ đến ngày nay.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận thăm và tặng quà các vị chức sắc và đồng bào Chăm trong ngày diễn ra lễ hội chính thức.
Lễ hội là tấm gương phản chiếu sinh hoạt của cộng đồng người Chăm, bởi trong thời khắc diễn ra lễ hội, mọi người như cảm nhận được sự hội tụ tất cả những tinh hoa, giá trị kỹ – mỹ thuật cao nhất của nền văn hóa Chăm để cùng hòa với nền văn hóa của các dân tộc anh em, góp phần làm cho “vườn hoa văn hóa” của đại gia đình các dân tộc Việt Nam thêm phong phú.
Nhân dịp này, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh Ninh Thuận đã tặng hoa chúc mừng và tin tưởng đồng bào Chăm luôn sát cánh với các dân tộc anh em trong tỉnh, chung tay góp sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội mà tỉnh đã đề ra.
Ninh Thuận là tỉnh có đông người Chăm sinh sống nhất trong cả nước (hơn 74 nghìn người sinh sống tập trung tại 22 làng, thuộc sáu huyện, thành phố). Với nét văn hóa độc đáo, đặc trưng, năm 2017, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành việc công bố Lễ hội Katê của người Chăm nơi đây là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Do đó, Lễ hội Katê thu hút đông đảo du khách đến chung vui, là dịp để du khách được hòa vào đoàn người rước Y trang của Thần Mẹ xứ sở Pô Inư Nư gar, Vua Pô Klông Garai, Vua Pô Rômê do người Ra Glai ở xã Phước Hà, huyện Thuận Nam gìn giữ về làng Chăm Hữu Đức, huyện Ninh Phước.
Du khách trong nước và quốc tế tề tựu về tháp Pô Klong Garai để chung vui với đồng bào Chăm trong dịp Lễ hội Katê.
Du khách cũng được chứng kiến các lễ chính trong ngày lên tháp Pô Klong Garai, gồm: Lễ rước y trang lên tháp, lễ mở cửa tháp, lễ mộc dục (tắm tượng và mặc y phục) và cuối cùng là đại lễ. Sau lễ chính tại tháp Pô Klong Garai, du khách được mời về tham dự lễ hội Katê tại các làng và gia đình người Chăm, được trải nghiệm, thưởng thức các tiết mục ca múa nhạc, hội thi văn hóa, văn nghệ dân gian Chăm, tìm hiểu nét văn hóa dân tộc Chăm đặc sắc, đa dạng đang hiện hữu trong đời sống của người Chăm, tham quan các làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làng gốm Bàu Trúc… vẫn còn lưu giữ được bản sắc văn hóa để cảm nhận hết được giá trị của văn hóa Chăm qua hình ảnh, hiện vật….
Nghi lễ chính thức tại tháp Pô Klong Garai kết thúc lúc 10 giờ cùng ngày. Trong ba ngày tiếp theo, tại các vùng đồng bào Chăm tổ chức nhiều hoạt động vui đón lễ hội, đi thăm hỏi, chúc nhau mọi sự tốt lành trong năm mới. Đây cũng là dịp để mọi người hóa giải những hiềm khích, mâu thuẫn xảy ra trong năm cũ, hướng tới đời sống dung hòa, đong đầy tình yêu thương tình làng nghĩa xóm….
Lễ hội Katê không chỉ là niềm vui riêng của bà con dân tộc Chăm mà còn là một trong những ngày hội lớn của các dân tộc anh em Kinh, Chăm, Ra Glai ở Ninh Thuận.
* Cũng trong sSáng 28-9, tại Tháp Pô Sha Inư, TP Phan Thiết (Bình Thuận), Lễ hội Katê năm 2019 của đồng bào Chăm ở tỉnh Bình Thuận được tổ chức với sự tham gia của đông đảo cộng đồng người Chăm ở các địa phương trong tỉnh.
Đây là lễ hội của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở tỉnh Bình Thuận tại Di tích cấp quốc gia Pô Sha Inư với đầy đủ các nghi thức và các giá trị văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc vốn có trong lịch sử, mang đậm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Chăm. Mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật.
Sư Cả Thường Xuân Hữu, Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bà-la-môn giáo tỉnh Bình Thuận bày tỏ cảm xúc: “Đối với người Chăm chúng tôi, Lễ hội Katê là dịp để tưởng nhớ công lao to lớn của ông bà, tổ tiên chúng tôi. Được Đảng, Nhà nước quan tâm phục dựng Lễ hội Katê của đồng bào Chăm, tôi cảm thấy rất phấn khởi và qua đó giúp cộng đồng người Chăm chúng tôi giữ gìn được phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của mình; đồng thời góp phần nâng cao đời sống kinh tế cũng như văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Chăm nói riêng cũng như của cộng đồng các dân tộc trong tinh nói chung”.
Lễ hội Katê tại di dích tháp Pô Sha Inư được tổ chức theo phong tục truyền thống với các nghi thức như: các chức sắc tôn giáo Bà-la-môn, Bà-ni thực hiện cúng Lễ Cầu an tại Tháp chính; thỉnh và rước Y trang nữ Thần Pô Sah Inư lên tháp chính; Lễ tắm bệ thờ Linga – Yoni; lễ mặc trang phục, Đại lễ Katê trước tháp chính. Ngoài những nghi thức, nghi lễ diễn ra theo trình tự thời gian, tục lệ truyền thống của người Chăm; lễ hội còn là dịp để đồng bào Chăm giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt của mình đến với du khách thông qua các hình thức diễn xướng dân gian như dân ca, dân vũ; trình diễn nhạc cụ truyền thống trống Paranưng, Ginăng, kèn Saranai; biểu diễn nghề làm gốm, dệt thổ cẩm…. Bên cạnh đó là các trò chơi, trò diễn mang đậm sắc thái văn hóa Chăm.
Lễ hội Katê được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa bổ trợ, thu hút sự tham gia của đông đảo cộng đồng người Chăm đến từ sáu huyện trong tỉnh, gồm: Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh; đã trở thành lễ hội chung của cộng đồng người Chăm toàn tỉnh.
Bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TTDL) tỉnh Bình Thuận cho biết, Lễ hội Katê đã trở thành một trong những lễ hội văn hóa truyền thống, đặc sắc, tiêu biểu của tỉnh; là sản phẩm du lịch quan trọng có sức hấp dẫn, cuốn hút đối du khách đến tham quan và thưởng lãm. Lễ hội không chỉ đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm ở địa phương, mà còn góp phần rất lớn vào việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh, giá trị và nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm đến với du khách, phục vụ du lịch phát triển.
Bà Iana, doanh nhân người Nga hiện đang làm việc tại TP Phan Thiết bày tỏ cảm xúc: “Tôi đã sống ở đây hơn sáu năm, năm nào tôi cũng tham dự lễ hội này, tôi rất yêu văn hóa Việt Nam nói chung cũng như văn hóa của người Chăm. Theo tôi đây là một trong những lễ hội văn hóa đặc sắc nhất tại Bình Thuận; các hoạt động văn nghệ biểu diễn, trang phục, nhạc cụ, âm nhạc đều rất cuốn hút và tôi rất hứng thú khi được hòa vào không khí lễ hội tại đây”.
Trước đó, trong dịp Lễ Katê năm 2019 của cộng đồng người Chăm, đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận cùng các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đã đi thăm, tặng quà chúc đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở các địa phương trong tỉnh.
Các chức sắc cộng đồng người Chăm đến từ sáu huyện trong tỉnh, gồm: Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh đến tham dự Lễ Hội Katê 2019.
Thiếu nữ Chăm biểu diễn điệu múa truyền thống của dân tộc.
Thiếu nữ Chăm rước mâm lễ lên tháp thực hiện nghi thức cúng lễ.
Các chức sắc tôn giáo Bà-la-môn thỉnh và rước Y trang nữ Thần Pô Sah Inư lên tháp chính.
Các thiếu nữ Chăm với điệu múa truyền thống dưới chân Tháp Pô Sah Inư.
Trình diễn nghề làm gốm truyền thống của người Chăm tại lễ hội.
Bánh gừng, một loại bánh truyền thống của người Chăm được du khách rất ưa thích.
Tháp Pô Sha Inư, TP Phan Thiết là nơi diễn ra các nghi thức chính của Lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở Bình Thuận.
(nguồn st)