Công trình nghệ thuật bên dòng Cà Ty
Bình Thuận không chỉ có “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”, mà còn sở hữu một hệ thống chùa chiền, đình làng, dinh vạn độc đáo, đậm nét lịch sử, văn hóa truyền thống và nghệ thuật chạm trổ tinh tế của người xưa. Vì thế, lữ khách đến Bình Thuận ngoài mục đích nghỉ dưỡng, còn là chuyến hành hương khám phá và chiêm bái các địa chỉ tâm linh, cầu mong những điều tốt lành trong cuộc sống.
Bình Quang Ni tự, tọa lạc tại phường Bình Hưng (TP. Phan Thiết) – ngôi chùa cổ được nhiều lữ khách biết đến.
Trong khuôn viên rộng rãi nằm giữa khu đô thị nhộn nhịp, tấp nập người và xe qua lại là một ngôi chùa cao 2 tầng mái uốn lượn, chạm trổ rồng, phượng uy nghiêm. Ngôi chùa được xây theo hình chữ khẩu, phía trước là chánh điện, cách một sân nhỏ là nhà thiền, nối liền nhà thiền và chánh điện là đông tây lang. Chánh điện thờ Phật rất đơn giản, nhưng trang nghiêm, tao nhã. Chính giữa điện thờ là tượng Đức Bổn Sư bằng đồng cao 1,5m, phía tả thờ Đức Bổn Sư nhập niết bàn và phía hữu thờ Đức Bổn Sư Trì Bình. Bên cạnh chùa phía hữu là vườn tháp của Chư Tôn Túc Ni và Chư Ni với ngôi mộ tháp lớn và đẹp. Gần đây ni sư trụ trì tiếp tục sự nghiệp của thầy Tổ cho tu sửa lại nhà thiền, tháp và một số công trình phụ, tạo cho Bình Quang Ni tự trở thành chốn Tổ trang nghiêm; thiết kế và xây dựng thêm cổng Tam Quan bề thế gây ấn tượng cho phật tử và lữ khách. Đây được xem là một trong những cổng Tam Quan đẹp nhất, công trình chạm trổ mái có tính nghệ thuật cao tại Bình Thuận. Ni sư trụ trì Bình Quang Ni tự kể rằng: Khởi đầu Bình Quang tự chỉ là một ngôi chùa làng của cộng đồng cư dân sống ven sông Cà Ty do các hương chức cùng nhân dân sáng lập vào những năm cuối thế kỷ 19 để thờ Phật, thể hiện nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Khoảng năm 1936, ni trưởng Diệu Tịnh từ miền Nam đi hoằng hóa ra miền Trung ghé lại Bình Thuận để khai đàn giảng pháp. Do cảm mến ni trưởng nên dân làng cung thỉnh ni trưởng trụ trì và cúng luôn ngôi chùa này cho ni trưởng Diệu Tịnh. Từ đó, chùa Bình Quang Ni tự trở thành Tổ đình của ni giới Bình Thuận. Ni trưởng ở Bình Quang tự một thời gian, rồi tiếp tục đi hoằng hóa các tỉnh miền Trung, vào hoàng cung tại Huế thuyết pháp. Sau đó ni trưởng Diệu Tịnh giao lại cho đệ tử trụ trì để kế thừa đạo mạch tiếp dẫn hậu côn.
Quang cảnh Bình Quang Ni tự.
Ngoài việc tín ngưỡng, tâm linh của người hành hương thì Bình Quang Ni tự còn nổi tiếng với các món “ẩm thực chay” do các ni sư chế biến. “Tiếng lành đồn xa” thực khách nhiều nơi mỗi lần đến Phan Thiết nghỉ dưỡng đều dành thời gian tới thắp hương bái Phật và thưởng thức “ẩm thực chay” ở đây. Cô Diệu Hương, người chế biến các món chay lâu năm ở Bình Quang Ni tự chia sẻ: “Món chay ngon, dễ làm, bảo đảm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, giữ tâm thanh tịnh. Hiện tại ở đây các ni sư chế biến gần 20 món chay ngon đơn giản được nhiều người ưa thích như: Nấm xào chay thập cẩm, canh nấm hạt sen, đậu phụ non xốt nấm đông cô, tôm chay xào thập cẩm, nấm rơm kho, bắp cải kho, đậu hũ nhồi hạt sen… Các món chay này rất dễ chế biến, giàu dinh dưỡng, ít chất béo…”. Thoạt đầu tôi chỉ ăn thử, nhưng dần dần thấy món chay nào cũng ngon miệng nên thường xuyên tới chùa, rồi vào chánh điện thắp hương bái Phật và tìm hiểu lịch sử, văn hóa ngôi chùa được hình thành cách đây 121 năm.
Có thể nói, Bình Quang Ni tự tọa lạc bên dòng sông Cà Ty và cách biển không xa không khí trong lành, mát mẻ. Giờ đây không chỉ có tiếng về ẩm thực món chay hấp dẫn, tấm lòng từ bi của ni sư, phật tử… mà cảnh quan, nghệ thuật chạm trổ rồng, phụng tinh tế, sắc sảo trên các công trình mái, cột, cổng Tam Quan của ngôi chùa cũng rất ấn tượng về mỹ thuật. Mỗi ngày, khi mặt trời chưa ló dạng tiếng chuông chùa ngân vang, trong không gian tĩnh lặng các ni sư cầu an cho mọi người có cuộc sống bình yên, sớm đẩy lùi dịch Covid-19.
Nguồn sưu tầm
N.BẢO