Cồng chiêng trong di sản văn hóa các dân tộc ít người ở Bình Thuận
Nửa thế kỷ trước
Trong hơn 30 dân tộc ít người hiện nay thì các dân tộc Chăm, Raglai, Cờho, Mạ, Rai… được coi là bản địa. Những dân tộc này có một nền văn hóa cồng chiêng phát triển và có vai trò to lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, hay nói cách khác là cồng chiêng từng đóng một vai trò vô cùng quan trọng, trong đời sống văn hóa của từng cá nhân và của cả từng cộng đồng tộc người trong lịch sử hàng trăm năm qua.
Ngoài đặc tính linh thiêng phục vụ cho các lễ nghi, lễ hội gắn với vòng đời người, chu kỳ sản xuất nông nghiệp, gắn với tín ngưỡng, phong tục tập quán trong từng gia đình; cồng chiêng còn là một loại nhạc cụ được sử dụng diễn tấu góp vui trong các ngày hội chung của dòng tộc và cộng đồng. Mặt khác cồng chiêng còn sử dụng làm của cải hồi môn mà cha mẹ cho con gái khi có chồng; khi chết thường mang cồng chiêng chôn theo dưới huyệt hoặc đặt trên mồ theo tập tục chia của các dân tộc ít người trước đây.
Tùy theo cách gọi của từng dân tộc, nhưng đối với loại hình chiêng bằng không núm, các dân tộc ít người ở Bình Thuận gọi là “đồng la”. Dân tộc Raglai ở Ninh Thuận gọi là “mã la”. Dù tên gọi thế nào thì bao giờ cồng chiêng cũng có những giá trị về tin thần và vật chất nhất định. Với vai trò to lớn trong những lễ nghi quan trọng của một dòng tộc hay một cộng đồng dân tộc, có những bộ cồng chiêng chuyên thực hiện những nhiệm vụ quan trọng đó có một giá trị đặc biệt, chứa đựng ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần, và nó còn là một tài sản lớn về mặt kinh tế, thể hiện về uy tín và vai trò của dòng tộc đó hay của từng cá nhân khi là chủ nhân của những bộ cồng chiêng trong xã hội xưa.
Mỗi dân tộc ít người đều sử dụng cồng chiêng theo tín ngưỡng trong văn hóa và nhận thức về cuộc sống cũng như các giá trị khác của họ với những làn điệu, bài chiêng để trình diễn trong từng lễ hội hay các nghi thức lễ theo phong tục của gia đình và của tộc họ. Không gian văn hóa cồng chiêng phổ biến đều khắp trong các làng, nơi nào có làng của người Raglai, Cờho, Mạ, Rai, Chơro… nơi đó đều có sử dụng cồng chiêng làm cầu nối giao tiếp với tổ tiên, ông bà và thần linh.
Bộ nhạc cụ trong lễ tế thần ở xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.
Xưa kia cồng chiêng vừa có chức năng và giá trị nghệ thuật (đã định hình yếu tố tâm linh tín ngưỡng) và giá trị kinh tế. Do đó, các dòng tộc lớn nhỏ đều phải có nhiều bộ cồng chiêng. Những bộ có số lượng như vậy thường mang giá trị kinh tế nhiều hơn, hay chứng tỏ vai trò và vị trí của chủ nhân trong xã hội nhiều hơn là chức năng nghệ thuật của chính những bộ cồng chiêng đó. Cồng chiêng có giá trị rất lớn trong đời sống tinh thần lẫn vật chất, người ta căn cứ vào số lượng cồng chiêng trong gia đình mà biết được kinh tế gia đình đó giàu hay nghèo, gia đình đó có địa vị trong xã hội hay không.
Là một vật thiêng, nên âm thanh cồng chiêng trong các lễ nghi, lễ hội liên quan đến tín ngưỡng tâm linh cũng mang tính linh thiêng. Họ sử dụng làm ngôn ngữ, cầu nối để mời gọi, giao tiếp, đối thoại với tổ tiên, ông bà và các vị thần linh trong các nghi thức tế lễ liên quan đến chu kỳ sản xuất, vòng đời người và các nghi lễ thuộc tín ngưỡng theo tập tục truyền thống. Trước đây, lễ nghi luôn có trong cộng đồng; như lễ mừng lúa mới, lễ cúng của gia đình, dòng họ, lễ cưới, lễ tang, lễ bỏ mã… tiếng cồng chiêng được coi là âm thanh linh thiêng gắn kết giữa thế giới thần linh với cuộc sống thực tại của con người.
Trong lúc đánh cồng chiêng thường đeo trên vai và dùng tay để đánh trên bề mặt quanh tâm điểm và quanh vành của mặt chiêng; cách thức đánh bằng hình thức hai người đứng đối chiêng hai bên, hoặc di chuyển vòng tròn quanh biểu tượng thiêng ở trung tâm nơi đặt lễ vật dâng tế. Nghiên cứu các nghi lễ dời làng của người Cờho và Raglai ở xã Phan Lâm và Phan Sơn huyện Bắc Bình 4/2008; lễ hội đâm trâu (ăn trâu) của người Cờho ở xã Đông Giang huyện Hàm Thuận Bắc năm 8/2008 và lễ hội đâm trâu của người Cờho xã Măng Tố huyện Tánh Linh năm 2014… cũng có thể nói đó là những lễ hội cuối cùng của đồng bào; nếu như tình hình diễn biến như những thập niên qua và hiện nay. Chúng tôi cảm nhận rất rõ về nhận định này.
Một điệu múa trong lễ tế thần ở xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.
Những thập niên gần đây và hiện nay
Thực tế trong khoảng nữa thế kỷ trở lại đây cho thấy, cùng với các loại nhạc cụ khác thì cồng chiêng cũng đang thưa dần và vắng bóng trong các lễ nghi, người lưu giữ, người chơi hay hiểu biết về nó nói chung cũng ít dần, tỉ lệ thuận với số cồng chiêng ngày càng ít đi trông thấy.
Gần một năm chuyên đi khảo sát, nghiên cứu các loại nhạc cụ trên địa bàn cư trú của các dân tộc Chăm, Raglai, Cờho và Chơ ro khi tham gia đề tài “Bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian (dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian) 4 dân tộc tiêu biểu tỉnh Bình Thuận thông qua hình thức biểu diễn nghệ thuật” do NSND Minh Mẫn làm chủ nhiệm. Chúng tôi có dịp kiểm nghiệm thực tế rất rõ rằng: Nhận thức và ý thức của một bộ phận người dân về nghệ thuật dân gian chưa cao, trong đó cồng chiêng gần như mất hết trong cộng đồng; tình hình chung là dù vẫn biết đó là di sản của ông bà, tổ tiên mình nhưng vật linh không còn linh nữa; mặt khác họ cũng không còn ưa thích nữa khi bên cạnh là hệ thống truyền thông hiện đại với tác dụng nhanh, rẽ, tiện lợi và đại chúng được cập nhật và phổ biến ngày càng nhanh chóng trong từng cộng đồng dòng tộc đến thôn, xã.
Có thể nói rằng, tất cả những biểu hiện của cồng chiêng trong đời sống của các cộng đồng các dân tộc ít người như từng đề cập, chỉ tồn tại trong quá khứ với nguyên vẹn hình hài của một loại hình di sản văn hóa truyền thống, dù rằng dưới nhiều mức độ biểu hiện khác nhau, nhưng tiếng nói (tính chất và chức năng) của cồng chiêng không còn phổ biến và phổ quát như trước.
Đây là hệ lụy của rất nhiều nguyên nhân chủ và khách quan khác nhau mà quá trình khảo sát, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy: Không gian sống của cồng chiêng là rừng và đất rừng dần bị thu hẹp và nhiều gia đình, dòng tộc không còn là chủ nhân đích thực của nó. Hệ thống tín lễ trong chu kỳ đời người và từng thôn, bản dần mất đi trước sự tiệm cận và tiếp cận của cộng đồng dân tộc với những tiêu chí của xã hội hiện đại. Vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế hiện nay trong cộng đồng các dân tộc ít người. Nghệ nhân diễn xướng dần mai một và một điểm nữa là tâm lý phủ nhận quá khứ trong giới trẻ của một bộ phận người dân tộc ít người hiện nay. Đây là đặc điểm và cũng là một thực tế đáng lo ngại hiện nay, nếu chúng ta không kịp thời gìn giữ và tôn vinh đồng thời với nghiên cứu lưu giữ thì việc tiếp tục mất mát hết hay biến thể sẽ xảy ra sớm trong cộng đồng của từng dân tộc./.
Nguyễn Xuân Lý – Binhthuan.gov.vn
Nguồn sưu tầm