Lễ hội Cầu ngư (Bình Thuận) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Văn hóa lễ hội

Lễ hội Cầu ngư (Bình Thuận) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(Chinhphu.vn) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định Lễ hội truyền thống Cầu ngư ở vạn Thủy Tú, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ảnh minh họa

Vạn Thủy Tú tọa lạc ở phường Đức Thắng – Thành phố Phan Thiết gắn với tín ngưỡng ngư nghiệp ra đời sớm nhất ở Bình Thuận và được xem là vạn gốc và trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần và tâm linh của loại hình tín ngưỡng thờ cá Voi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Lễ hội Cầu ngư ở Vạn Thủy Tú ra đời gắn với sự hình thành vạn và tín ngưỡng thờ cá Ông của ngư dân nơi đây. Lễ hội thể hiện tấm lòng biết ơn của ngư dân đối với cá Ông đã phù trợ, giúp đỡ ngư dân bình an trong những lần gặp hiểm nguy trên biển; cũng như giúp đỡ ngư dân có một mùa biển bội thu.

Lễ Cầu ngư có các nghi lễ quan trọng như nghệ sắc, Nghinh Ông Sanh, thỉnh Thập điện và cầu siêu cho chư vị hương linh, phóng đăng, khai xá thuyền rồng, thỉnh chư vị thủy thần và thỉnh chư vị tiền hiền, cầu quốc thái dân an, khai đàn chẩn tế âm linh, thả thuyền rồng trên biển, tế tiền hiền, chánh lễ tế thần, nghệ sắc hoàn mãn.

Trong đó lễ khai đàn chẩn tế âm linh là một trong những nghi lễ được ngư dân chờ đợi nhất. Còn nghi lễ chánh lễ tế thần Nam Hải luôn được xem là giờ phút thiêng liêng nhất, là thời khắc giao cảm giữa con người với thần Nam Hải. Ngư dân các làng chài luôn tin rằng cuộc tế lễ càng trang nghiêm, long trọng bao nhiêu thì sẽ có bấy nhiêu sự phù hộ, độ trì của thần Nam Hải và các vị hải thần. Trong nghi lễ này, vai trò của Chánh bái rất quan trọng, là người trực tiếp giao cảm với thần Nam Hải và các vị hải thần để đề đạt các ý nguyện của cộng đồng lên các vị thần linh này. Lễ vật chính là con heo sống toàn sắc màu trắng.

Bên cạnh phần lễ, sẽ có phần hội diễn ra bên ngoài và trên biển, hát bội. Các hoạt động vui chơi cộng đồng này thu hút sự quan tâm, cổ vũ của nhân dân, tạo mối đoàn kết, gắn bó giữa những người cùng nghề biển và với các thành phần nghề nghiệp khác trong vùng.

Lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc, mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc, là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển được tích tụ từ bao đời cùng kinh nghiệm ứng xử với biển của các thế hệ đi trước.

Hàng năm, vạn Thủy Tú đón khoảng 30.000 lượt khách đến tham quan và chiêm bái; góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội của làng chài. Ngư dân bắt đầu biết tận dụng lợi thế từ sản phẩm lễ hội để phát triển du lịch văn hóa, ổn định tình hình xã hội, đem lại cuộc sống sung túc hơn và góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa tại địa phương phát triển.

Với việc lễ hội Cầu ngư ở Vạn Thủy Tú được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân Bình Thuận nói chung và của ngư dân ven biển nói riêng thể hiện sự cố kết cộng đồng, giáo dục tình yêu quê hương đất nước của cư dân vùng biển; góp phần thuận lợi trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo tiền đề thuận lợi trong phát triển du lịch trong thời gian tới.

Nguồn sưu tầm

LA