Du khách mê tắm biển Mũi Né, săn rêu Cổ Thạch tại Bình Thuận dịp Tết Nguyên Đán

Kinh nghiệm du lịch

Du khách mê tắm biển Mũi Né, săn rêu Cổ Thạch tại Bình Thuận dịp Tết Nguyên Đán

Mùa rêu xanh tại biển Cổ Thạch, Bình Thuận đang thu hút rất đông du khách và giới nhiếp ảnh gia. Đây là một trong những điểm đến ấn tượng với du khách TPHCM, các tỉnh miền Đông Nam Bộ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Trung tuần tháng 1 đến đầu tháng 2 Dương lịch là thời điểm “vàng” để du khách “săn” mùa rêu xanh tại biển Cổ Thạch, Bình Thuận. Năm nay, thời điểm này trùng với dịp Tết Nguyên đán, cộng thêm thời tiết thuận lợi, lượng du khách từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ tìm đến Cổ Thạch nói riêng và Bình Thuận nói chung tăng đáng kể.

Cổ Thạch là một thiên đường biển đầy thơ mộng với bãi đá 7 màu, những hang động thiên nhiên được hình thành một cách tự nhiên do tác động của thủy triều và sóng biển. Đến mùa rêu, biển Cổ Thạch quyến rũ bước chân du khách bởi nét riêng độc đáo của rêu và đá, hiếm nơi nào có được.

Bãi biển Cổ Thạch nằm tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách Phan Thiết 70km và cách TP Hồ Chí Minh khoảng 270km nên rất thuận tiện cho du khách di chuyển bằng phương tiện cá nhân nhằm đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Trong chuyến du lịch và làm việc tại các tỉnh miền Nam mới đây, nhiếp ảnh gia Hoàng Dưỡng đã ghé thăm bãi đá Cổ Thạch – Bình Thuận, nơi anh từng nghe đến nhiều lần nhưng chưa có cơ hội chứng kiến tận mắt.

Anh Dưỡng đã có mặt tại đây từ 5 giờ sáng, chờ đợi khoảnh khắc bình minh, căn đúng thời điểm thủy triều xuống. Khi đó lớp rêu xanh dần dần xuất hiện, xanh mướt rồi ngả vàng trong ánh nắng đầu ngày.

Hiện tại, lớp rong, rêu hầu như phủ kín hết bãi đá. Theo người địa phương, rêu mọc trên đá dày hay mỏng, xanh tươi hay không là do thời tiết. Lớp rêu bám trên đá thường giữ được hơn một tháng. Hiện còn khoảng 2 tuần nữa thì ‘chiếc áo’ này sẽ dần mất đi.

“Săn” ảnh rêu Cổ Thạch đòi hỏi sự kiên nhẫn từ du khách và các nhiếp ảnh gia, bởi mực nước biển lên xuống sẽ gây cản trở tầm nhìn. Nếu mực nước xuống thấp quá sẽ khiến rong, rêu trông khô và mất đi độ mượt mà.

Ngoài mùa rêu xanh tại biển Cổ Thạch, nhiều điểm đến khác của Bình Thuận cũng thu hút du khách trong dịp Tết Nguyên đán này như bãi biển Mũi Né (Phan Thiết), rừng keo lá tràm nở hoa vàng rực ở ngoại thành Phan Thiết, Mũi Yến hoang sơ, đỉnh Cao Cát, bãi đá Ông Địa, Bàu Trắng….

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, đến nay công suất phòng lưu trú đã đạt 70 – 90% trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Toàn tỉnh hiện có 118 cơ sở lưu trú từ 2 – 5 sao đạt tiêu chuẩn đón khách du lịch.

Du khách tới tham quan du lịch không cần tiến hành test nhanh hay PCR, chỉ cần có giấy xác nhận tiêm ngừa đủ 2 mũi vắc xin. Tính tới hết năm 2021, 100% nhân viên trong các cơ sở du lịch; 80% người dân ở các địa phương trọng điểm du lịch ở Bình Thuận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.

Theo kết quả khảo sát nhu cầu và tâm lý khách du lịch của Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận, có 67% du khách đến đây để tận hưởng các sản phẩm nghỉ dưỡng, thư giãn, sức khỏe; 48% lựa chọn hình thức đi riêng với nhóm gia đình và hơn 51% du khách mong muốn được ưu đãi trực tiếp về giá…

Nắm bắt nhu cầu và xu hướng du lịch của du khách, ngành du lịch tỉnh này đang đẩy mạnh hoạt động kích cầu, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ; đồng thời tung ra sản phẩm đa dạng, ưu đãi dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2022.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2022, Bình Thuận đặt ra mục tiêu phấn đấu thu hút 4,5 triệu lượt khách (khách quốc tế có 220.000 lượt); doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 13.500 tỷ đồng…

Mục tiêu của địa phương này là biến Mũi Né trở thành điểm đến hấp dẫn, qua đó tạo những bước phát triển đột phá cho ngành du lịch tỉnh. Tới năm 2030, Bình Thuận kỳ vọng Mũi Né sẽ trở thành một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

(Sưu tầm)