Vẻ đẹp huyền bí của Tháp Chàm Phan Thiết
Đến du lịch Phan Thiết, một địa điểm mang nét văn hóa dân tộc Chăm rất đặc biệt và mới lạ mà du khách không thể bỏ qua đó chính là tháp Chàm Poshanư. Tháp Chàm Poshanư là một công trình kiến trúc của vương quốc Chăm Pa có giá trị nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Nơi đây đã dần trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách khi có dịp đến với thành phố này. Trong bài viết dưới đây, Mytour.vn sẽ giới thiệu tới bạn những thông tin quan trọng cho một chuyến khám phá Tháp Chàm Phan Thiết ý nghĩa. Bạn đừng bỏ qua nhé!
Vị trí, cách di chuyển tới Tháp Chàm Phan Thiết
Tháp Chàm Poshanư hay tháp Chăm Phố Hài, Po Sah Inư là quần thể tháp nằm trong khu di tích Lầu Ông Hoàng – Nơi có câu chuyện tình thi ca nổi tiếng của nhà thơ Hàn Mặc Tử và người con gái tên Mộng Cầm. Tọa lạc trên ngọn đồi Bà Nài, phường Phú Hài, cách trung tâm thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận khoảng 7km về hướng Đông Bắc.
Tháp Chàm được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 8 đầu thế kỷ thứ 9, để thờ thần Shiva – vị thần quyền năng của Ấn Độ giáo. Shiva được xem như một vị thần tối cao được người Ấn và người Chăm rất sùng bái, tôn kính. Điểm thu hút của tháp Chăm này chính là những tinh hoa kiến trúc và nghệ thuật của người Chăm xưa tạo nên những công trình độc đáo, kỳ bí. Đến với nơi đây, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc đẹp mà còn hiểu thêm về một nền văn hóa Chăm xưa kia.
Đi từ TP. Hồ Chí Minh đến tháp Poshanư, bạn có thể đi bằng xe máy hoặc xe khách. Vì đoạn đường khá xa, nên nếu không phải một “tay lái cứng”, bạn nên chọn di chuyển bằng xe khách sẽ an toàn hơn. Thời gian đi dự kiến khoảng 4 giờ với quãng đường dài 199 km.
Bạn cũng có thể lựa chọn di chuyển bằng tàu hỏa để tới Tháp Chàm. Nằm trên tuyến đường sắt Bắc Nam với ga Tháp Chàm là một trong những ga chính, hầu hết các chuyến tàu Thống Nhất đều chạy qua và dừng ở đây. Từ Hà Nội có các chuyến tàu SE3, SE5, SE7 và SE9 khởi hành từ Hà Nội và dừng ở ga Tháp Chàm, thời gian di chuyển sẽ từ 27-30 tiếng.
Các hoạt động vui chơi, giải trí tại Tháp Chàm
Tham quan Tháp Chàm
Chỉ với 10.000 đồng đối với khách nội địa và 15.000 đồng với khách quốc tế, bạn đã có thể chiêm ngưỡng lối kiến trúc độc đáo này. Các ngôi tháp Chăm đều được xây dựng từ những khối gạch nung đỏ, bền chắc qua hàng trăm năm. Phía trên đỉnh được chạm khắc nhiều hình thù độc đáo theo hình dạng mái vòm cuốn. Đặc biệt, những ngôi tháp theo đúng phong cách Chăm pa cổ đều chỉ có một cửa duy nhất tại phía Đông. Đến với nơi đây, đừng quên lựa chọn những trang phục ấn tượng và lưu giữ cho mình những tấm hình “check -in” cực chất nhé.
Đặc biệt, nếu đến đây vào đúng dịp lễ hội, bạn còn được hòa mình vào không khí vui tươi, nhộn nhịp của người Chăm bản địa. Những người dân cùng nhau nhảy lên những điệu múa nhịp nhàng uyển chuyển trong trang phục váy, áo truyền thống lộng lẫy. Không khí như càng thêm rộn ràng với sự hòa tấu của những nhạc cụ truyền thống: đàn Kanhi, trống Ginăng, trống Paranưng, kèn Xaranai, Grong (lục lạc),..
Ngoài ra, nhiều lễ hội độc đáo của khu vực cũng thường được tổ chức vào dịp tháng Giêng âm lịch như: lễ hội Rija Nưgar, Poh Mbăng Yang,…Vào những ngày thường, khách du lịch đến tham quan tháp Poshanư vẫn có thể thưởng thức những tiết mục nghệ thuật dân gian Chăm được ban quản lý tổ chức theo yêu cầu và xem nghệ nhân trình diễn nghề dệt vải thủ công.
Khám phá ẩm thực Tháp Chàm Phan Thiết
Đến với Tháp Chàm Phan Thiết bạn chắc chắn nên thử các món ăn địa phương nơi đây. Ngay tại khu vực quanh Tháp Chàm, du khách đa có thể bắt gặp nhiều quán ăn với nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn của địa phương. Một vài món đặc sản độc đáo của Phan Thiết phải kể đến như: bún mắm nêm, bánh căn, bánh canh chả cá, bún sứa, bún cá dằm,… Mì quảng hay những chiếc bánh tráng đậm đà, hấp dẫn cũng là những món ăn hấp dẫn không thể bỏ qua tại Phan Thiết.
Đặc biệt, du khách chắc chắn không thể không thử lẩu cá bớp thơm ngọt cùng loại nước chấm đậm vị chuẩn Phan Thiết. Một trong những món nhậu xuất sắc của Phan Thiết phải kể đến món răng mực. Răng mực được bán tại khắp nơi ở Phan Thiết, từ những nhà hàng sang trọng đến những xe đồ chiên bên vỉa hè với vô vàn cách chế biến khác nhau đầy hấp dẫn.
Những lưu ý khi đi du lịch Tháp Chàm
Khi đi du lịch Tháp Chàm Phan Thiết, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Mang theo kem chống nắng, áo chống nắng, các sản phẩm kem dưỡng ẩm, toner để chăm sóc thật tốt cho làn da của mình dù nô đùa dưới ánh nắng suốt cả ngày.
- Hãy mang theo một ít thuốc, dầu gió, thuốc xịt côn trùng… để đề phòng việc bị côn trùng cắn khi đang vui chơi, khám phá Tháp Chàm.
- Tuy là đi du lịch nhưng bạn cũng hãy mặc cả trước khi quyết định mua, bán bất cứ thứ gì tại bãi biển để tránh mất tiền không đáng nhé.
- Bạn nên lựa chọn du lịch vào thời gian Tháp Chàm tổ chức lễ hội. Tức là khoảng tháng Giêng, hoặc tháng 9, 10 (lễ hội Kate). Vào ngày này sẽ có các điệu múa nhịp nhàng uyển chuyển đi kèm với những nhạc cụ truyền thống như: trống Ginăng, trống Paranưng, chiêng, kèn Xaranai, Grong (lục lạc), đàn Kanhi… làm say đắm khách phương xa.
Nguồn sưu tầm