Phan Thiết – một điểm đến với 8 di sản văn hóa quốc gia
Phan Thiết hiện có 8 di sản văn hóa quốc gia: Đó là tháp Chăm Pô Sah Inư, đình làng Đức Thắng, đình làng Đức Nghĩa, Vạn Thủy Tú, đình làng Lạc Đạo, đình làng Tú Luông, đền thờ và khu mộ cụ Nguyễn Thông và Trường Dục Thanh.
Ra đời trong thời kỳ di dân
Trừ di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Pô Sah Inư được người Chăm xây dựng từ thế kỷ 8 trên đỉnh đồi Bà Nài ở Phú Hài; những di tích còn lại thì được hình thành trong thời kỳ xây dựng và phát triển Phan Thiết từ cuối thế kỷ 18 đến nữa cuối thế kỷ 19.
Các di tích kiến trúc cổ ở Phan Thiết thường gắn liền với văn hóa làng xã và chịu sự chi phối bởi hoàn cảnh xã hội đương thời; đó chính là bộ mặt của nền tảng kiến trúc, mỹ thuật cổ và là kho tàng để khai thác kiến thức về lịch sử, văn hóa, khảo cổ, Hán Nôm mang ý nghĩa tâm linh thiêng liêng. Ở đây di sản văn hóa từng thời phản ánh quá trình hình thành xóm làng, dân cư của một vùng đất trong lịch sử. Đồng thời phản ánh tổng quan diện mạo của một đô thị sơ khai đang trong thời kỳ phát triển của chế độ phong kiến triều Nguyễn xưa. Dẫu trải qua sự tàn phá của các thời kỳ chiến tranh, của thiên tai cùng sự bào mòn của thời gian, những di sản văn hóa ấy vẫn còn khá nguyên vẹn và đang được bảo tồn, gìn giữ rất tốt nhờ nỗ lực của cả cộng đồng. Trong đó phải kể đến công sức của nhân dân và các thế hệ đi trước đã để lại những di sản văn hóa, lịch sử về kiến trúc dân gian khá đa dạng, và người dân Phan Thiết đã được thừa hưởng rất nhiều giá trị về văn hóa, kinh tế từ các di sản vô giá này.
Di sản văn hóa ở Phan Thiết bao gồm nhiều loại hình, nhiều lĩnh vực đa dạng tạo nên những giá trị văn hóa phong phú mang nhiều sắc thái riêng biệt từng thời kỳ, được trau dồi, bồi đắp, duy trì của các thế hệ trước trong suốt quá trình di dân, định cư và lập nghiệp. Về mọi mặt và qua nhiều thời kỳ, di sản văn hóa Phan Thiết mang tính bản địa lâu đời ở cố hương lại có dịp thể hiện chức năng như sợi chỉ xuyên suốt tiến trình tụ cư của cư dân các nơi đến vùng đất mới. Di sản văn hóa qua thời gian đã khẳng định được tính tiên phong và ưu việt trong văn hóa truyền thống, là linh hồn cho những người, những dòng tộc và dòng họ xa quê quây tụ lại để giữ gìn các giá trị lịch sử – văn hóa và bản sắc dân tộc Việt. Và vì thế, từ xưa Phan Thiết xứng danh là nơi tụ cư và là quê hương của người “ngũ Quảng”.
Nét đẹp của di sản kiến trúc
Ngắm một di tích cổ trong lòng thành phố đang phát triển và hiện đại, phải kể đến giá trị những di tích kiến trúc nghệ thuật đền miếu, đình, chùa, lăng vạn… với kiến trúc dân gian bên ngoài đồ sộ, cổ kính mà thời phong kiến khi nhìn quy mô kiến trúc của một di sản có thể nhận thấy sự suy thịnh trong đời sống kinh tế của làng đó. Nét đẹp trong kiến trúc, điêu khắc thể hiện qua từng thời kỳ, từng phong cách của từng di sản. Trải qua hàng trăm năm, dù thời gian đã bào mòn các bờ mái, bờ nóc và nhiều lần thay đổi, nhưng còn đó rất rõ với những đường nét uốn lượn mềm mại trên nóc, trên những diềm mái của các công trình kiến trúc cổ. Như cổ lầu của đình Đức Thắng, Đức Nghĩa, Tú Luông, Lạc Đạo, Thủy Tú và bền bỉ hơn với từng mảng, khối chạm khắc bằng nhiều hình thù kỳ lạ và cuốn hút ở trên những tầng cao của tháp Pô Sah Inư huyền bí. Dù di sản đã có hàng trăm năm tuổi, thậm chí hơn ngàn năm vẫn luôn để lại ấn tượng mạnh cho người đến thăm nhờ không gian kiến trúc và cảnh quan tuyệt đẹp.
Bên trong các di tích cổ là những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật dân gian được tạo tác công phu, sống động, hoàn mỹ và mang giá trị mỹ thuật cao cùng các sưu tập di vật cổ. Những lễ nghi tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán và lễ hội văn hóa dân gian phản ánh đậm nét sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, ngư nghiệp xưa với nhiều nét vừa tương đồng vừa riêng biệt gắn với từng loại hình và đối tượng tôn thờ trong tín ngưỡng dân gian. Đây chính là những di sản văn hóa dân gian mang nhiều giá trị tiêu biểu, đặc trưng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt của người Phan Thiết xưa và cả ngày nay.
Bảo tồn di tích để phục vụ du lịch
Hàng trăm năm trước đây khi xây dựng những công trình kiến trúc dân gian, để bây giờ và sau này trở thành những di tích cổ với mục đích phục vụ đời sống văn hóa tinh thần và nhu cầu về tâm linh của các tầng lớp nhân dân; các thế hệ trước hoàn toàn không nghĩ xây dựng các công trình kiến trúc đồ sộ lúc đó để phục vụ du lịch như ngày nay, vì lúc đó chưa hề biết du lịch là gì, nên thiếu đi những khoảng không gian phù hợp cho các hoạt động du lịch, dù cho đất đai thời khai phá rất rộng lớn của các làng xã nông thôn. Tuy vậy, ngày nay con cháu các thế hệ trước đã biết sử dụng nền tảng di tích xưa để khai thác phục vụ du lịch. Nhưng những di sản kiến trúc thường rất kén khách, trừ những di sản nổi tiếng đại diện cho một dân tộc, một chế độ xưa như các di sản kiến trúc ở cố đô Huế, khu thánh địa Mỹ Sơn, Hội An… còn lại gần như ở đâu cũng vậy. Và những di sản khác nhau thường có các loại khách khác nhau, nhưng cũng rất hiếm di tích kiến trúc cổ đón được khách du lịch với số đông. Chủ yếu là những người nghiên cứu, hiểu biết lịch sử hoặc tìm tư liệu Hán Nôm, tìm hiểu về vùng đất, cư dân, con người xứ Phan. Tuy nhiên, ở Phan Thiết những năm gần đây khi chúng ta biết phục dựng các lễ hội hoặc gắn với việc tu bổ, tôn tạo di tích như phục dựng lễ hội Katê ở tháp Pô Sah Inư, phục dựng bộ xương cá voi ở vạn Thủy Tú gắn với lễ hội Cầu Ngư, đã đón hàng vạn khách đến mỗi năm trước dịch Covid-19. Còn lại các di tích khác đơn thuần chỉ là di tích kiến trúc cổ như đình Đức Thắng, Đức Nghĩa, Tú Luông, Lạc Đạo… chỉ xuân thu nhị kỳ thực hiện các lễ nghi xưa của cộng đồng để duy trì việc bảo tồn di tích cổ của truyền thống văn hóa dân tộc. Yếu tố quan trọng và cốt yếu nhất của loại hình di tích này là phải bảo tồn các giá trị nguyên gốc, không vì các nguồn lợi khác mà sao nhãng, làm phai mờ hệ thống giá trị văn hóa, nghệ thuật đã được định hình trong lịch sử; bởi nếu không kể tên những di sản cổ kính ở Phan Thiết khi tham quan thành phố này thì sẽ thiếu đi một phần nội dung quan trọng, và ít có một thành phố nào có được 8 di sản văn hóa quốc gia như Phan Thiết.
Nguyễn Xuân Lý
(Sưu tầm)