Biên phòng – Kể từ khi được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1997, dinh Thầy – Thím và Lễ hội Văn hóa du lịch dinh Thầy – Thím đã trở thành một trong những Lễ hội lớn, góp phần vào sự phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận.
Tọa lạc tại xã Tân Tiến – thị xã La Gi, dinh Thầy – Thím là địa điểm tâm linh nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận và khu vực Nam Trung Bộ. Công trình được xây dựng vào năm 1879. Dinh có kiến trúc như một ngôi đình làng bao gồm nhiều công trình như: Tam quan, Võ ca, chính điện, nhà thờ Tiền hiền, nhà thờ Hậu hiền, miếu ông Hổ, miếu Thành hoàng… Theo những người dân nơi đây, ẩn phía sau những công trình độc đáo của dinh Thầy – Thím là câu chuyện cảm động về lối sống nhân ái, đạo nghĩa của cặp vợ chồng đạo sĩ thần thông.
Theo truyền thuyết, Thầy sinh vào đầu thời Gia Long, khi đang dùi mài kinh sử, nuôi chí lớn thì Thầy gặp đại tang, cha, mẹ cùng lúc qua đời. Gác lại việc lớn, Thầy ở lại quê nhà cùng Thím chịu tang. Động lòng trước nổi khốn khổ của người dân trong làng, Thầy lập đàn khấn nguyện cầu mưa. Từ đó, Thầy nổi danh là một đạo sĩ có tài, dùng phép thuật của mình để cứu giúp dân lành.
Cũng vì giúp dân làng có ngôi đình khang trang thờ thần hoàng mà Thầy bị vua xử phạt “tam ban triều điển” (chém chết, uống thuốc độc hoặc treo cổ). Thầy xin một tấm lụa đào và chọn hình thức sau cùng. Tuy nhiên, khi tấm lụa đào vừa vào tay đã biến thành rồng bay lên, đưa Thầy và Thím về phương Nam.
Từ đó, Thầy và Thím cư ngụ tại làng Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). Lúc đầu, Thầy – Thím ở trọ nhà ông Hộ Hai, làm các nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh. Lúc nào bên Thầy cũng có quả bầu khô. Một hôm, Thầy quên đem theo chiếc bầu, chủ nhà tò mò lấy ra xem, bỗng lửa phụt ra thiêu trụi cả căn nhà. Sau khi làm lại căn nhà mới cho ông Hộ Hai, Thầy – Thím vào ở hẳn trong rừng sâu gần Bàu Cái. Có một mạch nước nhỏ dài hơn 3km chảy từ cánh rừng, Thầy đóng ghe ra đến biển mà dân làng truyền tụng do Thầy tạo ra bằng cây gậy phù phép của đạo sĩ để đưa ghe ra biển. Lạch nước ấy ngày nay vẫn còn, dân gian gọi là “đường lướt ván”.
Còn nhiều câu chuyện về lòng nhân ái của thầy như trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng năm mất mùa bóp chẹt dân nghèo, cứu giúp dân chài trong cơn sóng to, gió dữ… Thầy còn cảm hóa cả thú rừng vốn là nỗi lo sợ của những người khai phá thiên nhiên hoang dã thời ấy.
Một ngày mùa Thu, được tin Thầy – Thím qua đời, dân làng loan báo tin buồn, vội vã vào đến nơi, thì thấy 2 ngôi mộ bằng cát trắng được thú rừng vun ở gần nơi Thầy – Thím tạ thế. Hàng năm cứ đến mùng 5 tháng giêng âm lịch, người ta thường thấy có đôi bạch hổ – hắc hổ về nằm phủ phục canh gác mộ. Khi đôi hổ qua đời, dân làng cũng an táng ngay sau mộ Thầy – Thím để tưởng nhớ 2 con vật tận trung với người.
Tỏ lòng nhớ công đức của Thầy – Thím, nhân dân địa phương chung sức lập dinh ở khu rừng Bàu Cái gần nơi 2 người tạ thế, lấy ngày 15-9 âm lịch hằng năm là ngày Lễ tế thu Thầy – Thím. Đến đời Vua Thành Thái năm thứ 18, nhà Vua đã xem xét lại án xử trước đây và ban sắc phong cho Thầy – Thím là “Chí Đức Tiên Sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”.
Dinh Thầy – Thím ban đầu được làm bằng tranh lá đơn sơ vào đầu thế kỷ thứ 19, về sau dân làng mới xây dựng lại khang trang hơn. Các công trình kiến trúc với nghệ thuật điêu khắc chạm trổ các đường nét trang trí nội – ngoại thất thể hiện rõ nét kiểu cách kiến trúc cung đình… Công trình cũng đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1997.
Vào 2 ngày lễ lớn hàng năm ở Dinh Thầy – Thím (lễ tảo mộ mùng 5 tháng giêng âm lịch và lễ Tế Thu vào ngày 14 và 15 tháng 9 âm lịch), nhiều sinh hoạt văn hóa sôi nổi như: chèo bả trạo, diễn xướng tích thầy, biểu diễn võ thuật, lân múa thi tài, phóng sinh thả chim về rừng, rước xe hoa trang trí theo những truyền thuyết về cuộc đời Thầy – Thím quanh đường làng Tam Tân, nơi xưa kia hai người sinh sống, lao động và cứu giúp dân làng… Các hoạt động này đã thu hút hàng vạn du khách thập phương đổ về Bình Thuận.
Lễ hội Văn hoá du lịch Dinh Thầy – Thím 2018 được tổ chức trong 3 ngày từ 22 đến 24-10. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công đức Thầy – Thím và là hoạt động gắn với kỷ niệm 23 năm Ngày Du lịch Bình Thuận (24-10-2018). Đây cũng là một trong 5 lễ hội lớn của địa phương và được tỉnh Bình Thuận chọn là lễ hội phục vụ phát triển du lịch.
(nguồn st)