Dự án rừng ngập mặn Phú Hài – Phan Thiết: Được xướng tên danh dự trong Giải Kiến trúc cảnh quan 2021 của Mỹ
Sau chuyến khảo sát thực tế hồi tháng 4/2021 của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, dự án xanh công viên sinh thái Rừng ngập mặn Phú Hài đã được phối cảnh và mới đây được xướng tên trong cuộc thi về kiến trúc danh giá của Mỹ. Đây là điều đặc biệt như chính sự đặc biệt cho khu rừng ngập mặn duy nhất còn sót lại của thành phố biển.
Khu rừng hơn 32 ha giữa lòng thành phố
Rừng ngập mặn có từ lâu đời, nằm giữa 3 phường: Phú Thủy, Thanh Hải và Phú Hài, kề đường Hùng Vương nối trung tâm Phan Thiết đi Mũi Né. Trước đây, khu vực này là đất nuôi tôm, làm ruộng muối nhưng hiện tại, người dân không còn canh tác nên các cây, lùm bụi phát triển tự nhiên như sú, bần, cây mắm… tạo mảng xanh khá bắt mắt. Không chỉ vậy, rừng ngập mặn còn được xem là lá phổi xanh của thành phố, các loại cây trong rừng trở thành nguồn cung cấp thức ăn và là nơi trú ngụ cho nhiều loài thủy sinh, cá… Không chỉ thế, nhiều đàn chim, cò về trú ngụ, tìm thức ăn tạo nên cảnh quan vô cùng thơ mộng, hữu tình và là nơi hấp dẫn cho những nghệ sĩ đến săn ảnh.
Theo phê duyệt của UBND tỉnh Bình Thuận tại Quyết định số 1616/QĐ-UBND ngày 13/7/2020, toàn bộ khu đất rừng ngập mặn rộng hơn 32,3 ha này sẽ được chia làm 2 khu vực: xây dựng khu dân cư (gần 10 ha) và khu công viên (hơn 22 ha). Trong đó, Nhà nước sẽ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với gần 10 ha khu vực xây dựng khu dân cư để tái đầu tư thực hiện khu vực công viên.
Tuy nhiên, trong chuyến khảo sát bằng ca nô dọc theo khu vực rừng ngập mặn, ven sông Phú Hài hồi tháng 4/2021, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh: “Hiện tại, khu rừng ngập mặn đã hình thành thảm xanh rất đẹp. Khu vực này còn thu hút rất nhiều cò, các loại chim hội tụ về sinh sống, tạo nên không gian sống trong lành. Việc thực hiện quy hoạch khu dân cư tại đây sẽ khiến TP. Phan Thiết mất đi 1 khu rừng ngập mặn hiếm hoi, lớn nhất còn sót lại ở địa phương này”.
Do đó, Bí thư Tỉnh ủy đề xuất Thường trực Tỉnh ủy cần nghiên cứu, giữ lại toàn bộ diện tích này làm công viên cây xanh, chỉnh trang 2 bên bờ sông tạo nên 1 khu sinh thái đẹp giữa lòng thành phố. Theo đó, sẽ quy hoạch làm quảng trường, cải tạo thành những lối đi như những con kênh dưới tán cây của rừng ngập mặn. “Với ý tưởng này, tỉnh sẽ tạo khu sinh thái ngập mặn đặc biệt cho người dân thành phố, thậm chí tạo điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch. Hiện nay ngân sách tỉnh còn khó khăn, nhưng không nhất thiết phải đấu giá 1 phần đất khu vực này, có thể lựa chọn những khu vực đất khác đấu giá, lấy kinh phí tái đầu tư lại khu rừng ngập mặn”, Bí thư Tỉnh ủy cho biết thêm.
Ý tưởng thiết kế độc đáo
Từ những ý tưởng trên của Bí thư Tỉnh ủy, các kiến trúc sư Công ty Infinitive Architecture (TP.HCM) đã phối hợp với các kỹ sư, kiến trúc sư của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh bắt tay vào thiết kế, lên ý tưởng độc đáo cho khu rừng ngập mặn duy nhất còn sót lại của thành phố biển.
Theo nhóm thiết kế, để bảo tồn và phát triển hệ thực vật hiện có, chúng tôi đưa ra giải pháp tận dụng yếu điểm địa hình hiện trạng ô lưới nông nghiệp để phát triển ý tưởng, bằng cách khai thông, cải thiện môi trường nước, dòng chảy, làm liền mạch hệ thống mặt nước nhờ các khoảng mở thông được quy hoạch hợp lý trên các bờ mương hiện hữu. Đồng thời gia tăng các điểm đấu nối ra sông ở vành đai, bảo vệ chống sạt thuộc dự án kè đang triển khai của thành phố. Khi phát triển ổn định, đây sẽ là quần thể cảnh quan song hành, thủy bộ cài răng lược, có hình thái mê cung tự nhiên, phù hợp cho hình thức du lịch trải nghiệm khám phá cả trên cạn và dưới nước.
Ngoài ra, dự án sẽ có nhiều khu vực chức năng như nhà lưu niệm/điều hành, bãi cắm trại, tháp ngoạn cảnh, cafe, nhà hàng, cầu tàu, nhà huấn luyện thuyền kayak… với nhiều đường trên cọc bên dưới và trên cao liên thông với nhau, đủ cho nhu cầu dạo bộ, xe đạp, và cứu hộ tức thời, kết hợp với đường bộ cơ giới ở vành đai dọc theo kè bao. Tại tâm điểm của công viên này, sẽ tổ chức một tháp ngoạn cảnh với chức năng như nhà trung tâm, sân khấu đa năng. Công trình này có cấu trúc 3 cánh tương ứng với 3 khán đài mở, thông gió tự nhiên, có cấu trúc cộng hưởng âm dành cho các cuộc biểu diễn văn hóa văn nghệ ở các dịp lễ hội. Du khách có thể đi đến ngoạn cảnh cao nhất bằng các bậc tam cấp trong lòng mỗi khán đài này, đi ngược trở xuống từ trên mái và tiếp tục chuyển sang 2 cánh còn lại để khám phá các hướng khác nhau trước khi trở về điểm xuất phát. Đây là cấu trúc đa năng ở dạng vòng lặp vô tận, biểu trưng cho sự phát triển đa hướng và không ngừng; mối quan hệ hài hòa của thiên thời – địa lợi – nhân hòa, mong muốn phát triển bền vững của thành phố.
Phần còn lại của công viên là khu dịch vụ – văn hóa – công cộng, gồm một bảo tàng văn hóa, công trình thương mại dịch vụ và trục phố đi bộ hiện đại… Trục phố này được chấm phá bằng những ban công chìm vươn ra phía mặt nước, hướng về phía khung cảnh vườn ngập mặn. Đây là trải nghiệm cảnh quan đối lập rất thú vị giữa đô thị và tự nhiên, mang lại cảm giác về sự cân bằng, hoàn thiện cho môi trường đô thị thành phố Phan Thiết, đô thị của du lịch và văn hóa. Thiết kế quy hoạch đang được điều chỉnh, báo cáo để thông qua, tiến hành bước phê duyệt dự án đầu tư, triển khai xây dựng.
Dự án Công viên sinh thái rừng ngập mặn Phú Hài – Phan Thiết được xướng tên Danh dự trong Giải Kiến trúc cảnh quan 2021 của Architecture MasterPrize (AMP) vào cuối tháng 10/2021. Đây là giải thưởng quốc tế trong lĩnh vực kiến trúc, được thành lập bởi Farmani Group (Mỹ) với hàng ngàn dự án tham gia từ 65 nước. Giải thưởng về nhiếp ảnh, thiết kế và kiến trúc trên thế giới này nhằm tôn vinh những cá nhân hay đội ngũ vượt qua các ranh giới để thiết lập nên tiêu chuẩn mới và truyền cảm hứng phát triển nghệ thuật. |
Nguồn sưu tầm
M.Vân