Chùa Cổ Thạch

Di tích lịch sử

Chùa Cổ Thạch

Cổ Thạch tự có nghĩa là “chùa đá xưa”, còn có tên gọi mộc mạc dân dã là chùa Hang – một trong những danh thắng nổi tiếng ở phía Bắc tỉnh Bình Thuận và khu vực miền Nam. Chùa có hơn 100 năm tuổi, là di tích, thắng cảnh cấp quốc gia được công nhận vào năm1993 của tỉnh Bình Thuận. Ngự trong những hang động trên đồi núi thấp ở độ cao hơn 64m so với mặt biển, chùa Hang thấp thoáng ẩn hiện như một chốn “bồng lai” xa mờ…

Lúc đầu chùa chỉ là một thảo am nhỏ do Thiền sư Bảo Tạng khai sơn vào khoảng giữa thế kỷ 19. Dưới Triều Nguyễn, khoảng cuối thế kỷ XIX, chùa Cổ Thạch thuộc Bình Thuận phủ, Tuy Phong huyện, Bình Thạnh thôn, nay là xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Chùa cách thị xã Phan Thiết 98km về phía Bắc, cách thị trấn Liên Hương 8km về phía Đông. Phía Đông Nam của chùa giáp với biển Đông, ba mặt còn lại là rừng núi và những dải đá nguyên sinh tuyệt đẹp. Cổ Thạch tự mang một vẻ đẹp nguyên sơ độc đáo, gối đầu trên vùng đồi núi với hàng ngàn phiến đá và hang động muôn màu đa dạng vô cùng huyền bí. Nơi đây quanh năm chan hòa ánh nắng, khí hậu mát mẻ trong lành được chắt lọc bởi những luồng gió biển mặn mà, mát lạnh. Tất cả tạo nên một thiên cảnh trầm lặng lý tưởng cho việc tu hành của các nhà sư và trở thành điểm du lịch thú vị cho người phàm trần. Ngược dòng thời gian trở về những năm 1835 – 1836, lúc ấy có vị Thiền sư Bảo Tạng tìm đến Bình Thạnh lấy việc đạo hạnh, tu tịnh để cứu vớt người đời khỏi bể trầm luân trong lúc xã hội phong kiến Triều Nguyễn nhiễu loạn quá nhiều mâu thuẫn. Ông đã chọn địa điểm khai lập nên Cổ Thạch tự và trụ trì nơi đây 5 năm. Sau đó, vị Thiền sư giao chùa cho các đệ tử trông coi, ông tiếp tục độc hành vào phía Nam của Tổ quốc và dừng chân ở miền Đông Nam Bộ (Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu). Để tưởng nhớ công lao của vị Thiền sư Bảo Tạng có công khai sơn lập nên Cổ Thạch tự, nhà chùa lấy ngày 25-5 làm ngày giỗ Tổ hàng năm. 176 năm đã trôi qua, Cổ Thạch tự từ một thảo am nhỏ đã được tôn tạo theo thời gian và mở rộng thêm một số công trình phụ cảnh để phục vụ cư dân bản địa và khách du lịch. Vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có của chùa từ lâu đã trở nên nổi tiếng được nhiều người khắp nơi biết đến, khách du lịch thường xuyên hành hương về chùa viếng Phật và tham quan.

Chùa Cổ Thạch nằm trên đồi cao 64m là một quần thể kiến trúc Phật giáo được xây dựng dựa vào núi và hang đá nằm san sát nhau trong khu vực hơn 2.000 m2. Cổng tam quan dẫn vào khu chính điện với hai linh vật là voi và hổ hộ pháp phía trước. (Ảnh: vnexpress.net)

Chùa Cổ Thạch lọt thỏm giữa những hang động trên một ngọn đồi đá kỳ vĩ cao 64m so với mặt nước biển, xa trông bóng cổ tự thấp thoáng ẩn hiện trên nền trời như giữa chốn bồng lai tiên cảnh. Đường lên chùa thông thoáng nhưng quanh co, khúc khuỷu theo những bậc, thềm đá. Lối vào chùa qua cổng Tam quan quay về phía Tây Nam là con đường có 36 bậc thang được gắn kết với nhau bằng phiến thạch. Dưới chân bậc thang là đôi rồng uốn lượn hai bên được đúc bằng xi-măng như chào đón những ai có duyên đến viếng chùa. Bên phải chiếc cầu gần cổng Tam quan là bức tượng hình hổ ngồi và bên trái là tượng voi nằm được tạc tạo tinh vi. Ba phiến đá tự nhiên nổi lên cao xếp thành hàng ngang ở phía trước khu Chính điện làm nổi bật con cá Kình bằng đá tự nhiên (theo Kinh của Phật gọi là con “ma kiệt”, một loài thủy quái được xem là hóa thân từ Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát để giúp đỡ ngư dân khi gặp nạn ở biển khơi). Khu vực chùa Cổ Thạch là một quần thể kiến trúc, am, điện, cốc liên hoàn với nhau trên khu đồi đá rộng hơn 4 ha. Chính điện chùa nằm trong quần thể núi đá tự nhiên, có khi nằm lọt thỏm giữa những tảng đá to. Kế đó là các nhà thiền, từ đường, nhà tổ, gác chuông, lầu trống, am cốc thờ tự, với những câu liễn phi, hoành đối khá ấn tượng và bảo quản tốt. Mỗi hang động thờ một vị Phật, hoặc Bồ tát, hoặc một nhà sư đã viên tịch. Hang thờ Tổ khai sơn Cổ Thạch tự là nhà sư Bảo Tạng, có tượng nhà sư và nhiều bài vị của những người có công lao xây dựng chùa. Hang thờ Phật Mẫu Chuẩn Đề là một hang động bên trong có tượng Phật 8 tay và nhiều tượng cổ. Hang Tam Bảo thờ 23 pho tượng Phật cổ với nhiều kích thước và niên đại khác nhau…

Đây là một điện thờ trong hang đá được xây thêm phần cổng và mái long phụng. Hầu hết công trình đã được trùng tu nên những điện thờ trông còn mới. (Ảnh: vnexpress.net)

Hình thể các công trình kiến trúc từ Tam quan đến Ngọ môn, lầu Chuông, gác Trống, Chính điện nhà thờ Phật Tổ… và các công trình khác của chùa thể hiện nghệ thuật tạo dáng tinh tế nơi cổ tự. Đặc biệt, đập ngay vào ánh nhìn của du khách là hình tượng “tứ linh” Long, Lân, Quy, Phụng, nét đặc trưng trong kiến trúc tôn giáo, cung đình được thể hiện trên mái chùa và nhiều nơi tôn nghiêm nhất.

Nếu đến chùa Cổ Thạch vào các ngày rằm hay các ngày lễ lớn của Phật giáo như lễ Phật đản, lễ Vu Lan, lễ Hoài niệm ân sư, du khách sẽ được hòa mình vào không khí đông vui, tưng bừng cùng hàng ngàn nam, phụ, lão, ấu tham gia lễ hội chùa với nét mặt thành tâm cùng những ước mơ, nguyện cầu được thành công viên mãn. Người đi lễ chùa cảm thấy lâng lâng nh

ư lạc vào nơi sân tiên, cửa Phật, chìm đắm giữa sắc màu thiền lam u nhã. Những ngày này, nhà chùa tổ chức cơm miễn phí cho khách hành hương với nhiều món ăn chay rất độc đáo, ngon miệng.

Tượng Đức Phật Thích Ca nhập niết bàn. (Ảnh: vnexpress.net)

Cổ Thạch tự ngoài vẻ đẹp tự nhiên của hang động kết hợp với sự sáng tạo của con người, ở đây còn lưu giữ nhiều di sản văn hoá lịch sử quý hiếm: Nhiều di sản văn hoá Hán Nôm, liên, đối, hoành phi và những tài liệu có từ ngày tạo lập chùa. Một số cổ vật có giá trị lịch sử văn hoá khác như Đại Hồng chung, trống sấm đều có niên đại từ nửa đầu thế kỷ XIX.

Cạnh chùa là bãi đá Cà Dược nhiều màu sắc chạy dọc bờ biển. Cảnh quan chung quanh chùa có nét đẹp hoang sơ, kỳ vĩ. Nhiều ngôi nhà xinh xắn được xây dựng để phục vụ khách từ các nơi về hành hương và tham quan thắng tích. Du khách đứng trên đỉnh đồi đá có thể ngắm nhìn bao quát cảnh quan cả một vùng. Đồi đá Cổ Thạch có nhiều hang động với vẻ nguyên sơ độc đáo còn rất nhiều bí ẩn. Sau khi vãn cảnh chùa, bạn có thể vòng xuống bãi Cà Dược nhìn, ngắm bãi đá chạy dài hơn 1km dưới chân đồi Cổ Thạch với hàng ngàn viên đá bảy màu: đen, trắng, vàng, xám, nâu, hồng, tím sẫm… Một làng du lịch Cổ Thạch mới được dựng lên với nhiều ngôi nhà xinh xắn theo kiểu nhà sàn để đón du khách về viếng chùa và thưởng ngoạn thắng cảnh.

Toàn cảnh chùa Cổ Thạch (Ảnh: vnexpress.net)

Khách đến chùa Hang – Cổ Thạch tự quanh năm. Sau khi viếng cảnh chùa, du khách thường tập trung xuống bờ biển. Chính vì thế, suốt chiều dài bãi đá con lúc nào cũng đầy ắp bóng người. Những thú vui mùa hè như tắm biển, vớt rong đuôi ngựa, nhặt bào ngư, sưu tầm đá cuội, cắm trại …có sức thu hút du khách thật sự. Mỗi người mách cho nhiều người, tốp này đến tốp kia lại đi, cứ thế mọi người bảo nhau cùng đến nơi đây tham quan, nghỉ dưỡng.

Thật là thiếu sót nếu không nhắc đến người dân bản địa nơi đây. Nếu như cảnh vật của chùa nên thơ kỳ vĩ bao nhiêu thì người dân Bình Thạnh cần cù lao động, chân chất hiền hòa bấy nhiêu và bền bỉ kiên cường, đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm. Từ thuở khai thiên lập địa đến nay, Cổ Thạch tự đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử. Ngoài việc đạo, bước đi của chùa còn gắn với việc đời, việc nước cùng với nhân dân góp phần giải phóng quê hương. Chùa còn là điểm bí mật nuôi giấu cán bộ, trong đó có nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Chính phủ. “Hang âm phủ” ở phía sau Lầu Trống (nay đã lấp kín), chính là con đường độc đạo ngầm sâu trong lòng đất có lối ra tận bờ biển đã giúp cho nhiều cán bộ cách mạng thoát khỏi nhiều trận càn quét, bắn phá của giặc trong suốt 2 thời kỳ kháng chiến. Cổ Thạch tự đã tồn tại biết bao thế hệ, gắn với nhiều ý nghĩa về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa và có giá trị đích thực qua mỗi thời đại khác nhau. Không những thế giờ đây, Cổ Thạch Tự còn là điểm dừng chân du lịch lý tưởng của thế hệ hôm nay và cho cả thế hệ mai sau.

Nguyễn Mỹ – thegioidisan.vn

Nguồn sưu tầm