Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa độc đáo duy nhất tại Việt Nam
Nói đến “Bảo tàng” là người ta sẽ nhớ ngay đến những nơi chứa đựng biết bao nhiêu thứ xưa cũ, hoài cổ và mang tính chất lịch sử của cả một thế hệ, thời kỳ, hay dân tộc. Tuy nhiên ở trên thế giới cũng không thiếu gì những bảo tàng trưng bày những dấu tích đặc sắc và kỳ lạ, mà ở bên trong đó chứa đựng không chỉ là thời gian, mà còn là con người, trí tuệ, sự gìn giữ, nét đặc trưng riêng chẳng thể nơi nào khác trên trái đất này có được.
Ở Việt Nam bạn đã bao giờ nghe đến cái tên của Bảo tàng NƯỚC MẮM Làng Chài Xưa? Đúng, bạn không hề nghe lầm đâu, là bảo tàng Nước Mắm – nơi chứa đựng không gian tái hiện sống động lại 300 năm lịch sử của làng chài Phan Thiết xưa, từ thời Chăm Pa, vua Nguyễn, trải dài cho đến tận thời Pháp thuộc và những năm của thập niên 40 – 60.
Đừng Ngạc Nhiên Khi Việt Nam Có Bảo Tàng Nước Mắm
Đây cũng chính là bảo tàng nước mắm đầu tiên và cũng là duy nhất của Việt Nam cho đến thời điểm này, bảo tàng hiện nay được xây dựng tại địa chỉ số 360 Nguyễn Thông, Phú Hài, Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận. Và nếu như trong trí tưởng tượng của bạn chỉ đơn giản nghĩ bảo tàng là một khu vực được bày biện và trang trí những di tích, kỷ vật… thì bạn sẽ cảm thấy vô cùng choáng ngợp trước bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa. Bởi vì bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa được xây dựng với tổng diện tích lên đến 1.600m2, với sức chứa lớn như vậy để đủ cho 14 không gian vừa và nhỏ với từng chủ đề riêng biệt nhau, nhằm tái hiện trọn vẹn cũng như sống động nhất lịch sử hình thành và phát triển trong suốt 300 năm qua của làng chài Phan Thiết.
Đến với bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa, các bạn cũng như du khách sẽ được tận mắt chứng kiến từng di sản, di vật một cách chân thực nhất, không dừng lại ở đó, bạn còn trực tiếp được tương tác nhập vai thành những người dân làng chài lưới, được đánh bắt cá, được tham gia vào những hoạt động thường ngày của ngư dân, rồi đóng vai vào những người diêm dân cùng làm việc trên cánh đồng muối. Chưa dừng lại ở đó, bạn còn được lạc vào thành phố cổ Phan Thiết 300 năm, được dừng chân tại nhà hàm hộ xưa để khám phá nguồn gốc cũng như những quy trình để làm ra được chén nước mắm đậm đà thơm ngon. Chắc chắn khi tới bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa, bạn không chỉ học được về lịch sử mà còn nắm chắc được ý nghĩa tên gọi xưa của nước mắm, vì sao lại có tên như vậy cũng như cho đến giờ cái tên “nước mắm” vì đâu mà thành.
“Nước mắm” không chỉ đơn thuần là một thứ gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa cơm của bất kỳ gia đình Việt nào, nước mắm còn là một nét truyền thống độc đáo, hình thành nên cả một làng nghề, trở thành một biểu tượng cho nền ẩm thực nước nhà. Mỗi khi đi năm châu bốn bể, chỉ cần nói đến ẩm thực Việt Nam là người ta đều ấn tượng với thứ gia vị độc đáo làm nên tinh thần của từng món ăn, tuy nhìn có vẻ giản đơn nhưng lại chất chứa cả hàng trăm năm những câu chuyện chắt chiu, tích góp lại mà thành một cái tên “nước mắm” này.
Vậy thì rút cuộc nước mắm có xứng đáng được vinh danh cho mình trong một bảo tàng thật đẹp và thật hoành tráng? Nếu như bạn còn thắc mắc, thì hãy đừng ngần ngại tới trực tiếp bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa để tìm câu trả lời cho chính mình ngay nhé!
Khám Phá Bên Trong Bảo Tàng Nước Mắm Làng Chài Xưa
Bước chân vào bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa bạn sẽ không thể biết trước được mình sẽ lạc vào không gian như thế nào, bởi chính sự choáng ngợp và hoành tráng của bảo tàng, không khác gì với những buổi trình diễn đương đại kết hợp ánh sáng nổi tiếng trên thế giới. Tất cả những vẻ đẹp sẽ được hiện lên trước hàng trăm ánh đèn tiêu điểm, để nhằm phô được hết sự lung linh mờ ảo trên nền không gian tối của từng cổ vật, đem lại sự mãn nhãn tuyệt đối cho bất kỳ ai đến thưởng thức.
Để có thể nắm bắt và hiểu rõ hơn về bảo tàng nước mắm, thì trước tiên chúng ta sẽ được xem một đoạn phim ngắn giới thiệu tổng quan về hành trình kiến tạo nên làng nghề nước mắm, những giai đoạn thăng trầm đầy biến cố nhưng cũng rất tự hào. Đây cũng chính là điểm khởi đầu cho một hành trình khám phá những di vật cũng như tìm hiểu về lịch sử 300 năm của nước mắm Phan Thiết nói riêng và của cả Việt Nam nói chung. Đoạn phim này cũng giống như cho chúng ta xem phiên bản rút ngắn của cả hành trình diễn ra trong bảo tàng, cho chúng ta thấy được những điều hấp dẫn và đặc sắc nhất, rồi để chúng ta được tận tay tận mắt chứng kiến trong không gian thật của bảo tàng.
Đến với bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa, không cần phải ngồi lên cỗ máy thời gian, bạn vẫn có thể đặt chân về quá khứ cách đây 300 năm của vùng đất Phan Thiết. Đó là khoảng thời gian trước năm 1693 khi mà vùng đất này còn chưa có người Việt sinh sống, nơi đây chính là lãnh thổ thuộc vương quốc Chăm Pa, hay còn được gọi với cái tên là Mang Thit. Bạn có thể biết được hóa ra từ “ủ chượp” – một kỹ thuật được sử dụng để làm nước mắm hóa ra lại xuất phát từ tiếng Chăm, khi mà người Chăm đã áp dụng kĩ thuật làm gốm cũng như ướp cá từ những người La Mã. Sau cùng khi người Kinh di cư vào đã tiếp tục tiếp nối truyền thống này và sau đó thương mại hóa thứ nước mắm này bằng cách đựng chúng trong những chiếc tĩn gốm rồi chở đi bán muôn dặm Việt Nam bằng ghe bầu.
Không Chỉ Được Tận Mắt Tai Nghe Những Câu Chuyện Lịch Sử
Vì sao lại nói rằng tới với bảo tàng Nước mắm Làng Chài Xưa thì bạn không chỉ được tận mắt chứng kiến những câu chuyện lịch sử mà là còn hơn thế nữa. Bởi vì ngoài việc cùng chiêm ngưỡng những di vật lịch sử trong không gian Chăm pa xưa với bức tượng Kut – biểu tượng vô cùng thiêng liêng mang tính tập tục được lấy về từ đền thờ tại thế kỷ 15, khi vị vua qua đời sẽ được những người quan làm lễ nhập hồn vào trong bức tượng Kut này để đi qua thế giới bên kia.
Hay là đặt chân trên con đường cát trắng trải dài để đi đến không gian trưng bày tất cả những chiếc tĩn từ xưa đến nay. Những câu chuyện về tĩn, về xóm lò tĩn cứ thế dần hiện lên sống động trước mắt bạn và bật mí về bí quyết tạo nên hương vị đặc trưng của nước mắm Phan Thiết hay còn được gọi chính là Thủ phủ nước mắm của Việt Nam.
Không chỉ có vậy, bảo tàng còn chứa đựng cả bản gốc của 2 tấm sắc phong mà vua triều Nguyễn ban cho làng biển Bình Thuận, cực kỳ quý giá và mang ý nghĩa to lớn đối với người dân thời bấy giờ. Cứ thế, cứ thế, chúng ta được bước vào những không gian khác nhau từ nhiều khoảng thời gian khác nhau.
Những bức tranh về Phan Thiết dưới thời Pháp thuộc từ những năm 30, 40, đến những mô phỏng con đường của Mũi Né ngày xưa. Bạn sẽ hòa mình vào thời gian nơi đây mà trở thành một ngư dân thực thụ, được tự mình trải nghiệm về tĩn nước mắm thơm ngon nức danh lục tỉnh nam kỳ, được cào muối trên cánh đồng muối trắng xóa, được gánh trên vai từng gánh muối đượm mồ hôi và công sức như chính người dân làng chài lưới xưa kia.
Chưa dừng lại ở đó, bạn còn được chiêm ngưỡng mô hình phục dựng đình Vạn Thủy Tú được xây dựng vào năm 1762 – là nơi thờ bộ xương cá voi (hay còn được dân làng chài gọi với cái tên tôn thờ là Cá Ông) lớn nhất Việt Nam. Sở dĩ dân làng chài tôn thờ Cá Ông và cũng được các vị vua triều Nguyễn ban tặng nhiều sắc phong là bởi vì trong các cuộc chiến trang phong kiến, các vị tướng nhà Nguyễn nhiều lần đều được cá voi cứu nạn vinh quang trở về.
Ngoài ra thì bạn còn có thể thấy được tiệm thâu băng hoài cổ từ thập niên 50, từ chiếc máy hát đến những đĩa nhạc còn in màu thời gian. Rồi còn cả chợ xưa Khánh Thiện với biết bao thứ đồ xưa cũ ít nơi nào còn lưu giữ lại.
Bạn Có Muốn Biết Nước Mắm Rin Với Công Thức 300 Năm Là Như Thế Nào?
Nếu đã tới bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa mà chưa nếm thử nước mắm Rin thì coi như cả chuyến tham quan bị bỏ lại phía sau luôn rồi. Đây chính là hoạt động nổi bật nhất cũng như mọi người đều muốn được thử một lần trong đời. Bởi vì thứ nước mắm Rin này chính là loại nước mắm nguyên chất, được chính những người thợ lành nghề kéo rút trực tiếp từ thùng lều gỗ ủ chượp chín chậm, thứ nước mắm quý giá, mang trong mình độ đạm cao, rất giàu dinh dưỡng và thành phẩm được rất ít cho mỗi thùng làm mắm.
Cái tên nước mắm Tĩn cũng chính là được xuất phát từ ông tổ nghề Trần Gia Hòa đưa nước mắm vào tĩn gốm rồi dán nhãn vuông đem chở đi bán khắp nơi trên cả nước. Cũng chính vì công trạng này mà ông đã được vua Nguyễn ban tước vị quan hàm Bát phẩm danh giá.
Và đương nhiên đã tới đây thì bạn còn được học cách “cẩn” nước mắm, xác định xem nước mắm thế nào là ngon mà chỉ cần dựa vào màu, mùi, vị dưới ánh sáng do người xưa truyền lại. Thậm chí chỉ cần vài hạt cơm nguội bạn cũng có thể biết được đâu là nước mắm “xịn” với độ đạm cao, đâu là nước mắm công nghiệp đã qua pha chế.
Đặc biệt bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa còn là nơi lưu giữ toàn bộ bằng chứng để xác minh rằng Phan Thiết chính là cái nôi của nước mắm Việt Nam. Là nơi Hàm Hộ “Hào khí nghĩa gia” tự làm nên con đường nối từ Phan Thiết tới Mũi Né.
Nói tóm gọn lại thì hành trình khám phá những bước thăng trầm của lịch sử hình thành phát triển nên nước mắm đều nằm gọn ở bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa này. Nếu bạn là người có hứng thú với lịch sử, với cội nguồn thì đây nhất định là nơi bạn nên đặt chân tới khám phá, còn nếu bạn chỉ đơn thuần là tò mò về loại gia vị đặc trưng của đất nước thì tin chắc rằng khi bạn tới đây sẽ hiểu biết thêm rất nhiều kiến thức khác.
Vậy Ai Là Người Đã Tạo Nên Bảo Tàng Nước Mắm Làng Chài Xưa?
Có lẽ bạn cũng sẽ từng tự hỏi, vậy ai là người đã đặt nền móng cho việc xây dựng nên một bảo tàng đặc sắc và đặc biệt đến vậy ở Việt Nam.
Đó chính là anh Trần Ngọc Dũng – người đã đem cả một làng nghề, một truyền thống sống lại cho tất cả mọi người được chiêm ngưỡng. Khi chia sẻ về việc tại sao lại quyết tâm xây dựng nên một bảo tàng giữa cái nôi của nghề mắm, anh Dũng đã trả lời rằng: trải qua rất nhiều năm du học, được thấm nhuần những văn hóa, những cái hay của người ta, mình tự nhìn lại thì thấy không có cách giáo dục nào tốt hơn là bằng trực quan sinh động. Bảo tàng nước mắm sẽ chính là một ngôi trường học tốt nhất cho thế hệ trẻ sau này. Lịch sử nước mắm cũng đã hơn 300 năm, cũng xứng đáng là một đoạn đường dài trong lịch sử, vậy thì nó hoàn toàn xứng đáng được đặt mình trong một viện bảo tàng có tầm cỡ như thế này.
Nguồn https://nuocmamtin.com/
(Sưu tầm)