Bình minh trên đảo nhỏ
Dọc theo bờ biển Bình Thuận dài hơn 192 cây số có biết bao đảo nhỏ, mỗi đảo là một thắng cảnh đẹp, nhất là vào buổi bình minh hay hoàng hôn buông xuống.
Đầu tiên phải kể đến là đảo Lao Câu nằm cách bờ biển Phước Thể (Tuy Phong) chừng 10km. Đảo không cao, nhưng dài hơn 1.500m và rộng gần 800m. Trên đảo đá nhiều vô kể, với đủ loại hình thù lớn bé. Thiên nhiên trên đảo tuyệt đẹp, được ví như một “vương quốc đá” với các khối đá nhiều hình dạng: Rùa, hải cẩu, gấu, chim… Đặc biệt, trên đảo Lao Câu có rặng san hô nguyên thủy dài 2km với 243 loại san hô khác nhau.
Theo con đường trải nhựa ven biển vào đến Hòa Thắng (Bắc Bình), từ trên đồi cao nhìn ra biển là đảo Nghề, hình dạng như “chú rùa” mới lớn quay đầu ra biển cả. Đảo Nghề chỉ có diện tích chừng 800m2, cao hơn mặt biển chừng 15m và cách bờ hơn 120m. Màu xanh lục của rừng dừa Hồng Thắng, xanh thẳm của nước biển trong ánh nắng ban mai in bóng hòn Nghề trên mặt biển lung linh trông thật đẹp.
Vào đến vùng biển Mũi Né (Phan Thiết) ta bắt gặp đảo Ghềnh chỉ cao chừng 20m so với mặt biển và cách bãi tắm Hòn Rơm hơn 1.000m. Trên đảo còn hoang sơ, không có người ở; thi thoảng chỉ có một số ngư dân trước lúc ra khơi ghé vào miếu thờ ông Nam Hải thắp nén hương cầu điều may mắn, an toàn trên biển cả.
Đến bãi biển Tân Thành (Hàm Thuận Nam) là đảo Kê Gà uy nghi. Đây là một hòn đảo nhỏ nằm cách đất liền khoảng 400m. Thủy triều lên đã biến nơi đây thành một hòn đảo biệt lập, vây quanh bốn bề là biển xanh, sóng vỗ. Trên đảo có ngọn hải đăng bằng đá hoa cương với 184 bậc thang sừng sững cao gần 70m. Hải đăng Kê Gà được xem là cao nhất Việt Nam có cấu trúc hình bát giác.
Có lẽ đảo nhỏ nằm cuối bờ biển Bình Thuận là Hòn Bà có diện tích hơn 2,8ha, nằm cách bờ khoảng 2km, thuộc phường Bình Tân, thị xã La Gi. Mỗi đảo có diện tích và khoảng cách với đất liền khác nhau, nhưng đều là đảo nhiều đá và cây rừng, hoang sơ, chưa có bàn tay con người tác động vào. Các đảo là nơi nghỉ chân lý tưởng của ngư dân hành nghề trên biển và lữ khách muốn khám phá những điều bí ẩn của thiên nhiên.
Thế nhưng, trong những đảo nhỏ ven bờ biển Bình Thuận thì Hòn Bà luôn có vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ và quyến rũ. Sáng sớm mặt trời nhô lên khỏi mặt biển, từ bãi biển đồi dương nhìn ra đảo nhỏ Hòn Bà trông giống như con rùa khổng lồ cao gần 40m đang vươn mình giữa biển khơi.
Cảm nhận đầu tiên khi tôi đặt chân lên đảo bao quanh toàn là đá, chỉ duy nhất có một bãi cát nhỏ nơi thuyền cập đảo; lối lên đảo quanh co với hàng trăm bậc đá len lỏi dưới rừng cây cổ thụ che bóng mát. Đi sâu vào bên trong đảo là khu rừng xanh mướt giữa biển khơi sóng vỗ rì rào. Không gian xanh ngát của rừng cây cổ thụ và xanh thẳm của mặt nước biển tạo nên không khí trong lành và bình yên đến kỳ lạ. Phải chăng đây là nét khác biệt của Hòn Bà với bao đảo nhỏ khác ven biển Bình Thuận.
Trên đảo còn có ngôi đền cổ thờ bà Chúa Ngọc – Thiên Ya Na và cạnh cây bồ đề cổ thụ trăm năm là tượng Phật Bà Quan Âm được người dân dựng lên từ nhiều thế kỷ trước. Bà Chúa Ngọc hay Thiên Ya Na là tên gọi của người Việt có nguồn gốc, xuất xứ từ Po Inư Na Gar – vị nữ thần của người Chăm với nhiều huyền thoại linh thiêng hiện thân cho người mẹ sáng tạo muôn loài.
Trong cộng đồng người Chăm vẫn còn lưu giữ truyền thuyết về nữ thần Po Inư Na Gar, tương truyền rằng: “Bà được trời sai xuống trần gian để tạo ra quả đất, sáng tạo ra vạn vật và muôn loài, dạy dân làm nhà, trồng lúa, dệt vải và vun đắp tình cảm yêu thương cho con người. Bà cai quản tất cả mọi miền, mọi nơi, là mẹ lớn của tất cả các mẹ xứ sở…”.
Sự hiển linh cũng như đức tính nhân hậu của vị nữ thần được thờ ở đây đã khiến cho nhiều người dễ dàng tiếp thu tín ngưỡng vào trong đời sống tâm linh và văn hóa của mình. Vì thế, hàng năm vào ngày 23 tháng 3 âm lịch, người dân địa phương tổ chức lễ vía Bà, và cũng dịp này lễ hội Cầu Ngư của người dân vùng biển La Gi diễn ra trong không khí rộn ràng, đậm nét đẹp truyền thống dân gian.
Có thể nói, đảo Bà (Hòn Bà) như một dấu chấm trên biển khơi, quanh đảo nhiều đá, song lưng chừng đảo là rừng cây cổ thụ xanh mướt bốn mùa in bóng xuống mặt nước biển lung linh. Thiên nhiên đã tạo nên một thắng cảnh Hòn Bà nên thơ và tuyệt đẹp. Những năm trước tôi đã nghe nói có doanh nghiệp xin đầu tư khai thác tiềm năng phát triển du lịch trên đảo, vậy mà đến nay Hòn Bà vẫn hoang sơ, tĩnh lặng như ngày nào.
Theo Báo Bình Thuận
Nguồn sưu tầm