Lễ hội Dinh Thầy Thím vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992 – 2022), sáng 14/7, tại Khu di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy Thím (xã Tân Tiến, thị xã La Gi), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với thị xã La Gi tổ chức Lễ công bố Quyết định đưa Lễ hội Dinh Thầy Thím vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh (bên phải) trao Quyết định; Ảnh: Nguyên Vũ)
Đến dự có các đồng chí: Bố Thị Xuân Linh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Phạm Văn Nam – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thị ủy La Gi; Nguyễn Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Thành Huy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; tham dự còn có đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, địa phương và đông đảo bà con nhân dân.
Dinh Thầy Thím (tọa lạc tại làng Tam Tân) lưu lại những dấu tích từ cơ sở hình thành dưới đời Vua Tự Đức 32. Truyền thuyết về Thầy Thím tạo ra niềm tin trong tín ngưỡng dân gian, gần gũi với đời sống dân cư, thể hiện tính nhân văn sâu sắc đối với cuộc sống của nhân dân địa phương và ngoài tỉnh. Di tích Dinh Thầy Thím đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 27/9/1997.
(Lễ hội Dinh Thầy Thím; Ảnh: Nguyên Vũ)
Lễ hội Dinh Thầy Thím thường niên diễn ra từ 14 – 16/ 9 Âm lịch hàng năm với nhiều nghi lễ truyền thống. Đan xen với phần lễ là phần hội với các trò chơi, trò diễn dân gian và hoạt động văn hóa – thể thao đặc sắc miến biển. Với những giá trị và ý nghĩa về lịch sử, văn hóa độc đáo, tiêu biểu, ngày 12/01/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quyết định đưa “Lễ hội dinh Thầy Thím, xã Tân Tiến, thị xã La Gi” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Như vậy, Dinh Thầy Thím đã được công nhận cả hai danh hiệu là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và Lễ hội Dinh Thầy Thím vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần vào việc phát triển du lịch và thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội của thị xã La Gi nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung. Đồng thời, cũng góp phần nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống của cộng đồng, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
(Văn nghệ chào mừng; Ảnh: Nguyên Vũ)
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh cho rằng: “Mặc dù chịu ảnh hưởng của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa nhưng Lễ hội Dinh Thầy Thím vẫn được gìn giữ, bảo tồn, duy trì đầy đủ cả về thời gian, không gian, trình tự, cách thức thực hành các nghi lễ, thành phần cúng lễ, trang phục Ban Tế tự, đối tượng thờ cúng, lễ vật dâng cúng, nội dung bài xướng văn, văn tế, lời khấn trong từng nghi lễ đã tạo nên không gian linh thiêng, huyền ảo”.
Để bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị Lễ hội Dinh Thầy Thím là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân và phục vụ phát triển du lịch, địa phương sẽ tổ chức Lễ hội chu đáo, giữ vững an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ hợp lý, đảm bảo an toàn cho người dân cũng như du khách đến tham dự Lễ hội. Duy trì tổ chức phần hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi, trò diễn dân gian phù hợp với điều kiện, đặc thù và truyền thống văn hóa của địa phương. Cùng với đó,, trao truyền, hướng dẫn cho thế hệ trẻ về tập tục, tín ngưỡng và cách thức thực hành các nghi lễ trong Lễ hội Dinh Thầy Thím.
Nguồn sưu tầm
Nguyên Vũ