Đình Phú Hội – nơi lưu giữ nét văn hóa làng quê

Văn hóa lễ hội

Đình Phú Hội – nơi lưu giữ nét văn hóa làng quê

Cách thành phố Phan Thiết khoảng 7 km về hướng tây, đình làng Phú Hội xã Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc) vẫn sừng sững đứng trước nắng mưa, trước thử thách của thiên nhiên để trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân trong những ngày lễ, tết…

Tháng 2, công việc đồng áng, nương rẫy đã bắt đầu bận rộn, nhưng với nhiều người dân ở xã Hàm Hiệp không thể quên lễ tế xuân tại đình làng Phú Hội. Một nghi thức văn hóa truyền thống lâu đời, tưởng nhớ đến vị thành hoàng và giúp gắn kết cộng đồng, giúp tình làng nghĩa xóm càng thêm bền chặt.

Khi vừa hoàn thành nghi lễ, bên chén trà ấm, các bậc cao niên trong làng lại kể về chuyện xưa, như một cách truyền dạy cho những người trẻ có mặt hôm nay nghi thức cúng tế. Giọng kể của các cụ đầy tự hào: Ngôi đình được xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ 7 (Đinh Mùi 1874). Thuở mới tạo dựng, đây là một quần thể kiến trúc quy mô và hoàn chỉnh nhất ở Bình Thuận với 9 nóc: cỏng Tam Quan, đình thờ Thần, đình thờ Tiền hiền, Võ ca, tiền đường, hậu cát, nhà nhóm, nhà khách và nhà khói. Phía trước đình có cột cờ, ao sen rộng có chiếc cầu gỗ xinh xắn bắc qua dẫn lối vào đình, xung quanh là vòng thành bao bọc.

Lễ tế xuân

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đây là địa bàn ác liệt nhất, là vùng tranh chấp giữa ta và địch. Không thể chiếm đóng, vì thế địch cho phá một số công trình kiến trúc. Sau ngày giải phóng hầu như chỉ còn những phần chính của đình thờ Thần, nhà thờ Tiền hiền, nhà nhóm…

Những công trình còn sót lại đều thể hiện rõ đường nét kiến trúc xưa. Đó là ở các vì kèo được gác lên nhau, nối dài, trong dân gian gọi là hệ thống kèo nối, vừa uyển chuyển vừa chắc chắn lại vừa có nét mỹ thuật làm nhẹ đi tầm nhìn. Đây là trường hợp sử dụng hệ thống kèo nối trong các ngôi đình ở trong khu vực. Những nóc nhà trong tổng thể đình không theo một khuôn khổ nhất định, mỗi nóc một khác. Đây cũng có thể coi là lối kiến trúc phức tạp và sáng tạo vận dụng ở đình làng Phú Hội mà trong dân gian ít có.

Đình làng Phú Hội thờ Thành hoàng bổn cảnh, các bậc Tiền hiền, Hậu hiền có công bảo trợ nhân dân và lập làng, dựng đình, thờ bà Thiên Y Ana Diễn Ngọc Phi, vị nữ thần của người Chăm. Hiện nay đình còn lưu giữ 5 sắc phong do các đời vua triều Nguyễn ban tặng. Bởi vậy nhân dân ở đây coi như bảo vật thiêng liêng của làng và họ giữ gìn hết sức cẩn thận. Đình Phú Hội đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1995.

5 sắc phong nhà Nguyễn trao vẫn được lưu giữ tại đình làng Phú Hội.

Trong tâm thức mỗi người dân ở xã Hàm Hiệp, đình làng Phú Hội trở thành vốn quý, tài sản chung. Vì vậy, hàng năm, vào ngày 15, 16/2 âm lịch, nhân dân lại rộn ràng tổ chức lễ tế xuân và 15, 16/8 âm lịch tổ chức lễ tế thu để tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân đã dày công khai phá xây dựng nên làng.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh – Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hàm Hiệp kiêm Trưởng Ban quản lý đình làng Phú Hội cho biết: Các lễ tế không chỉ đơn thuần mang yếu tố tín ngưỡng thuần túy cầu cho “Quốc thái, dân an” mà còn là một nét đẹp văn hóa tinh thần của người dân, thể hiện đạo lý tôn kính tổ tiên, tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước, cũng như những bậc tiền nhân đã mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đồng thời hướng con người tới nét đẹp “chân – thiện – mỹ”. 3 năm nay, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên lễ tế được tổ chức với quy mô nhỏ, bà con đến thắp nhang, viếng thăm cũng thưa vắng hơn, tuy vậy các nghi thức vẫn bảo đảm thành kính, trang nghiêm.

Mỗi người dân Phú Hội hôm nay có quyền tự hào về làng quê thân yêu, nơi có ngôi đình làng mang đậm dấu ấn lịch sử, nơi khói hương vẫn nghi ngút trong các ngày lễ, tết, làm ấm lòng người khi nhớ về tổ tiên, nguồn cội.

“Đình làng xưa kia không chỉ là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng của làng mà mỗi gia đình khi có việc hệ trọng đều ra đình cầu xin thành hoàng phù trợ. Thành hoàng thuộc về thế giới tâm linh với quyền uy siêu nhiên. Vì có công mà được nhân dân suy tôn, gửi gắm sự kỳ vọng chở che, phù trì bảo hộ. Để lưu giữ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống này, cần làm tốt hơn công tác giáo dục trong nhà trường từ việc bổ trợ kiến thức đến những chuyến tham quan, cảm nhận thực tế, để thế hệ trẻ hiểu và biết quý trọng nét đẹp văn hóa dân gian”, ông Trương Văn Thành – thành viên Ban nghi lễ đình làng Phú Hội.

THÙY LINH