LẦU ÔNG HOÀNG – CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ

Di tích lịch sử

LẦU ÔNG HOÀNG – CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ

 

“Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tàn nhớ câu chuyện xưa

Lầu ông Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua.”

Với những ai yêu văn thở chắc hẳn sẽ không thể không biết đến chốn hẹn hò lãng mạn của cố thi sĩ Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm. Hôm nay, theo dòng lịch sử tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện về Lầu Ông Hoàng – chứng nhân lịch sử.


  Là một tàn tích nằm trên một trong năm ngọn đồi đẹp nhất Bà Nài , Phú Hài, Phan Thiết, Bình Thuận. Đây vốn là một biệt thự do Ferdinand d’Orléans, Công tước De Montpensier, cháu nội vua Louis-Philippe I của Pháp bỏ ra số tiền 82.000 đồng bạc Đông Dương để xây, nhưng đến nay đã bị phá hủy gần như hoàn toàn và chỉ còn lại tàn tích. 

Vào năm 1911, Công tước De Montpensier qua Việt Nam du lịch và săn bắn. Nhận thấy phong cảnh tại những ngọn đồi xung quanh Phan Thiết rất hữu tình, nên ông đã mua lại mảnh đất rộng 536m2, cách Tháp PoSahnư 100m về hướng Nam đê xây dựng biệt thự.

Tòa biệt thự được khởi công xây dựng ngày 21 tháng 2 năm 1911 với quy mô 13 phòng rộng cùng nhiều tiện nghi phụ trợ, như máy phát điện đặt dưới tầng hầm, bể chứa nước có thể dùng đủ cả năm. Khi xây xong, biệt thự được xem là công trình hiện đại nhất Bình Thuận lúc bấy giờ. Tên gọi Lầu Ông Hoàng xuất phát từ cách gọi dân dã của người dân về sự sang trọng của vị công tước người Pháp cư ngụ ở đây. Lầu Ông Hoàng có một vị trí đẹp, cao 105 m so với mặt nước biển, cách trung tâm Thành phố Phan Thiết 7km.

Tháng 7 năm 1917, Công tước De Montpensier bán lại biệt thự cho một chủ khách sạn người Pháp tên là Prasetts. Sau này, vua Bảo Đại mới mua lại nó. Sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam năm 1945, quân Pháp đã xây dựng một hệ thống đồn bót với nhiều lô cốt để canh giữ toàn vùng Phan Thiết. Lầu Ông Hoàng trở thành nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Kể từ đó trở đi, Lầu ông Hoàng không còn được ai chăm nom và dần trở nên xuống cấp, hoang phế. 
Địa danh này cũng được gắn liền với thi sĩ Hàn Mặc Tử trong giai đoạn ông đến thăm Phan Thiết.

Người ta chỉ biết đến chuyện tình yêu đẹp nhưng đầy trắc trở của Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm qua sách báo. Nhưng bên cạnh mối tình đẹp như mơ ấy, còn có một đời thường với rất nhiều bí ẩn.

Quê Mộng Cầm ở Phan Thiết, gần lầu Ông Hoàng nhưng thân sinh bà lại ra làm việc tận Nghệ An. Và ngày 17/7/1917, bà được sinh ra ở đó nên mới có tên “cúng cơm” là Huỳnh Thị Nghệ. Tên Nghệ là do sinh ở Nghệ An. Sau đó bà được gửi về trọ ở nhà ông cậu ở Phan Thiết học trường Pline Exercices. Mộng Cầm là cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu nên bà cũng có “máu thơ văn”. Tên Mộng Cầm xuất hiện từ khi bà làm thơ gửi đăng báo. Qua những vần thơ trên báo, Hàn Mạc Tử đã tìm đến làm quen, bày tỏ tình cảm với bà qua bài Muôn năm sầu thảm, với câu mở đầu “Nghệ hỡi Nghệ”…Bài thơ ấy, bà Mộng Cầm vẫn thuộc nằm lòng từ đó đến nay. Hàn Mặc Tử là tình yêu đầu đời của bà. 

Năm xưa, Hàn Mặc Tử từ Quy Nhơn vào Phan Thiết thăm Mộng Cầm. Hàn hỏi ở đâu có cảnh đẹp thì đưa anh đi thăm cho biết. Mộng Cầm đã đưa Hàn Mặc Tử lên lầu Ông Hoàng. Đó là một ngọn đồi thấp, nhưng lên đó vào những đêm trăng tỏ, có thể nhìn thấy Mũi Né và thị xã Phan Thiết mờ ảo, lấp lánh đèn hiệu, đèn ghe chài như những viên kim cương khổng lồ. Nào ngờ, đây lại là lần đi chơi sau cùng của hai người. Hàn Mạc Tử ra Huế, sau đó vào Quy Nhơn, điều trị bệnh phong ở bệnh viện phong Quy Hòa, và mất ở đó .

Lầu Ông Hoàng-công trình kiến trúc từng lẫy lừng trong quá khứ, chứng nhân lịch sử, của bao cuộc bể dâu, nhưng bây giờ chỉ còn lại tàn tích.
 

Sương sa trong lúc hoàng hôn

Đường lên dốc đá sáng dần bể xanh

Triều dâng con nước mênh mông

Chuông chùa văng vẳng tiếng lòng xôn xao

Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu?

Hồn xưa anh mất cảnh gieo sầu

Mây mù phủ kín vòng bình địa

Căm hờn tháp cũ cuộc bể dâu
 

Hãy đến Phan Thiết để nhìn lại những công trình kiến trúc và cảm nhận sự phát triển từng ngày của vùng đất này nhé !

 

Nguồn sưu tầm