BT- Thị xã La Gi có bờ biển dài chưa đến 28 km nhưng đã có 3 ngôi dinh vạn Phước Lộc, Tân Long, Tân Phú thờ cúng Ông Nam Hải trở thành tập quán lâu đời. Với ngư dân tước hiệu “Nam Hải cự tộc Ngọc lân tôn thần” được các sắc thần triều Nguyễn phong là thần linh biển, là ứng nhiệm cứu nạn khi đối mặt với hiểm nguy trên biển cả.
Trong đó có 2 dinh vạn Phước Lộc và Tân Phú được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh cho thấy mối quan hệ về quá trình hình thành cư dân có trên trăm năm ở La Gi. Các dinh vạn đều nằm bên cửa biển của các con sông, như vạn Tân Phú thuộc xã Tân Tiến ngày nay ở vị trí cửa sông MaLy sau đổi tên sông Phan, bên cạnh dịch trạm Thuận Trình từ khoảng cuối thế kỷ 19. Vạn Phước Lộc, vạn Tân Long cũng đồng thời có từ buổi khai khẩn đất hoang đã gần 150 năm, nằm bên hai bờ cửa sông Dinh và cạnh dịch trạm Thuận Phước… Ngày xưa, dưới Triều Nguyễn các dịch trạm đặt theo các chặng của con đường cái quan từ bắc vào nam, đoạn đi ngang La Gi là tiểu lộ ven biển đến trạm Thuận Biên (Xuyên Mộc) mới ngược lên Châu Thới – Biên Hòa, đây chính là những nơi cư dân tụ hội buổi ban đầu ở vùng đất La Gi.
Trong thiết chế dinh vạn luôn chọn trên một bãi đất rộng, vừa làm nơi thờ cúng tế lễ vừa là nơi an táng, lưu giữ ngọc cốt cá ông một cách tôn kính. Đời sống cư dân vùng biển phần lớn từ các tỉnh miền Trung xuôi Nam lập nghiệp. Ở đây, như trong một câu đối người xưa mô tả “La Di bình nguyên chi địa, diện hải bối lâm” (La Gi đất đồng bằng, mặt giáp biển, lưng tựa rừng), cho nên với tính cách con người của đất “ngũ Quảng lưu dân” vốn cần cù, lam lũ biết dựa vào lợi thế thiên nhiên tạo nên cuộc sống mới bằng nghề chài lưới và mở đất làm nông. Do vậy dinh vạn cũng trở thành mái nhà chung khi có lễ hội thành hoàng bổn cảnh. Rõ nét nhất là dinh vạn Phước Lộc mang tính pha trộn giữa đình và vạn như quyết định xếp hạng di tích quốc gia của Bộ VHTT-DL năm 2012. Trong nghi thức cúng lễ vạn Tân Phú (Tam Tân), vạn Tân Long ở phường Bình Tân tuy không có gian thờ tiền hiền – hậu tổ, đình Thành hoàng bổn cảnh như ở Đình-vạn Phước Lộc nhưng vẫn có bàn thờ “Hội đồng” cho các nhân thần vô danh, tượng trưng cho sức mạnh của tự nhiên và là phúc thần có công khai khẩn, lập làng. Các lễ tế kỳ yên, vía thần cũng không khác gì lễ cầu ngư vào vụ mùa đánh bắt, van vái gặp mưa thuận gió hòa với tả ban hữu ban, mâm cúng lễ và điệu hò bá trạo vẫn chưa phai chất giọng miền Trung…
Không thể không kể đến Hòn Bà có miếu thờ nữ thần Thiên Y a Na cách bờ biển Tân Long 2 km. Từ huyền tích theo tín ngưỡng người Chăm, nguyên mẫu nữ thần Poh Nagar nhưng trong tín ngưỡng dân gian cư dân vùng biển La Gi lại gắn liền câu chuyện tình đầy tính sử thi, trắc trở và chia lìa đậm bản sắc văn hóa Việt. Miếu thờ Bà Chúa Ngọc trên đảo lại do người Việt bảo tồn, thờ phụng từ xưa nay tuy ngày vía Bà hàng năm vẫn là ngày 23 tháng 3 âm lịch theo truyền thuyết như kết hợp giữa hai dòng văn hóa Việt – Chăm nhưng trong cúng lễ diễn ra hoàn toàn khác, đó là lễ hội dân gian truyền thống thờ Mẫu của người Việt. Thiên Y A na như một biểu tượng thánh mẫu biển cả, ảnh hưởng tín ngưỡng thờ Quan Âm cứu rỗi độ thế đối với con người trước đại dương mênh mông. Cũng liên quan đến nghề biển, trong sự tích Dinh Thầy Thím có nhắc đến công đức cứu giúp ngư dân nghèo khổ, “sái đổ thành binh” đóng thuyền cho dân chài làng Tam Tân… coi như một đấng phúc thần nên thành tâm van vái cúng Dàng trước nghi lễ cầu ngư.
Với 5 cơ sở tín ngưỡng dân gian ở La Gi là các dinh vạn Phước Lộc, Tân Phú, Tân Long, Hòn Bà, Dinh Thầy Thím tạo nên một quần thể có giá trị xác lập lịch sử hình thành của một vùng đất, đặc biệt là có ảnh hưởng rất lớn đối với tập quán, đời sống văn hóa của ngư dân địa phương. Trước sự phát triển của xã hội ngày càng cao, có nhiều tác động về nhận thức nhưng với tập tục thờ thần linh biển được duy trì cũng là nét văn hóa thuần hậu rất riêng của cộng đồng cư dân vùng biển mang ý nghĩa nhân văn.
PHAN CHÍNH
(Sưu tầm)