La Gi (phát âm: /la-zi/) là một thị xã thuộc tỉnh Bình Thuận. La Gi vốn là tên thị trấn huyện lị của huyện Hàm Tân và được nâng cấp, mở rộng thành thị xã (đô thị loại IV) theo quyết định số 1222/QĐ-BXD ngày 3 tháng 6 năm 2005 của bộ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam. La Gi có diện tích là 18.282,64 ha và 120.230 nhân khẩu. Mật độ dân cư: 650 người/km².
La Gi có các thắng cảnh: Đồi Dương, Bãi Dương Cam Bình, Ngảnh Tam Tân, Hòn Bà, Dinh Thầy Thím. Cảng Lagi là một trong những Cảng cá biển vào loại lớn nhất Tỉnh Bình Thuận và khu vực.
Chi tiết có thể tham khảo tại đây:http://vi.wikipedia.org/wiki/La_Gi
Hòn Bà là một hòn đảo nhô cao lên giữa biển, cách bờ biển Lagi huyện Hàm Tân gần 2 cây só về hướng Ðông. Cách Phan Thiết khoảng 70 km về phía Ðông Nam.
Hòn Bà là ngọn núi trẻ, trên núi có nhiều cây cổ thụ lớn. Nửa đầu thế kỷ XVII người Chăm đã dựng lên một ngôi đền để thờ nữ Thần Thiên Y Ana, vị Thần thiêng liêng của vương quốc Chămpa cổ. Cũng từ đây hòn đảo có tên là Hòn Bà. Ngôi đền thờ có kết cấu kiến trúc và trang trí nghệ thuật giống như ngôi miếu của người Việt cùng thời. Trong ngôi đền thờ, tượng nữ Thần Thiên Y Ana bằng đá, được các nghệ nhân Chăm tạc từ một khối đá nguyên tại chỗ. Việc thờ tượng Bà ở trên đỉnh Hòn Bà thể hiện sự tôn vinh của người Chăm với nữ Thần. Mặt khác ở những thế kỷ trước đây, nghề biển là nghề chính thu hút đông đảo ngư dân Chăm ven bờ mà dấu vết của những làng ngư cổ vẫn còn. Do vậy, việc thờ tượng Nữ thần ở đây cũng là sự cầu mong cho Nữ thần phù hộ, cứu nạn cho họ trên biển. Hàng năm người Chăm ở các nơi thường đến đây làm lễ cầu mưa và các nghi lễ tôn giáo khác.
Trong kháng chiến chống Pháp do chiến tranh ngày càng các liệt, quân Pháp ngăn cấm không cho dân làng đến đảo thờ cúng và việc đi lại khó khăn hơn cũng làm cho người Chăm dần dần lãng quên đi ngôi đền. Chính sự lãng quên này đã tạo điều kiện cho kẻ gian đánh cắp pho tượng Thần và những vật thờ linh thiêng trong ngôi đền cổ cùng sự xuống cấp đổ nát của nó.
Mãi đến năm 1969 ngư dân ở Hàm Tân đã đóng góp tiền của xây dựng lại ngôi đền mới trên nền ngôi đền cổ. Người Việt xây đền thờ Nữ Thần Thiên Y Ana của người Chăm nhưng thực hiện các nghi lễ trong đền lại theo phương thức riêng và phong tục truyền thống của người Việt. Ở đây luôn có một số người bảo vệ và chăm sóc ngôi đền. Lễ hội ở đây là ngày giỗ Nữ Thần Thiên Y Ana mà dân địa phương gọi là ngày Vía Bà. Nghi lễ được tổ chức vào ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm. Vào ngày này nhân dân ở khắp nơi ra đảo rất đông bằng phương tiện ghe thuyền, trong số đó có rất đông người Chăm ở Hàm Tân và các nơi khác đến viếng Bà.
Huyền thoại về Hòn Bà qua truyền khẩu nhiều đời, dẫu có những chi tiết khác nhau nhưng vẫn là câu chuyện tình đầy tính sử thi. Người ta kể rằng, xưa có đôi vợ chồng trẻ sống thật hạnh phúc bên nhau trên mảnh đất La Gi khi chưa có dấu chân người, tưởng chừng không có gì thay đổi được. Một hôm, người chồng thẫn thờ nghe tiếng con chim lạ hót đã gieo vào lòng chàng bao điều nghĩ ngợi, bàng hoàng. Thế rồi chàng xách ná, tên đi theo tiếng chim mãi về hướng núi xa, với hy vọng sẽ gặp điều may mắn. Đến một vùng đất lạ, thú rừng không gặp nhưng hoa ở quanh chàng hiện ra khung cảnh của ngàn hoa và những hình bóng mỹ nữ diễm kiều. Chàng quên cả lối về với người vợ chân quê.
Ở nhà, nàng nóng lòng bên chảo nước réo sôi, lửa lại sắp tàn, mòn mỏi ngóng chờ chàng mang về những con thịt rừng và tấm da thú màu lông sặc sỡ. Ngày tiếp ngày, nàng vẫn kiên trì nhóm hồng bếp lửa để giữ cho chảo nước luôn sôi. Nhưng trong một đêm được báo mộng, người vợ hiểu ra chàng đã phụ bạc, quay lưng với tình yêu nồng ấm ngày nào nên nàng nổi cơn ghen, hất đổ chảo nước đang sôi như một lời thề đoạn tuyệt. Nàng dậm chân ba dậm, Động Bà Sang bỗng tách một phần đất để trở thành hòn đảo cô đơn chia lìa với bao kỷ niệm. Đó là Hòn Bà!
Trên phần đất tiếp giáp giữa huyện Hàm Tân và Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) có suối nước nóng Bình Châu. Người ta nói là dấu tích chảo nước sôi bị bà đạp đổ. Còn nói về người chồng, có lẽ gặp điều trắc ẩn mà không có cơ hội giãi bày nên ngàn năm đứng mãi ở ngọn núi cao, trông ngóng về hướng biển đông thương nhớ người vợ thủy chung. Địa danh Núi Ông ở huyện Tánh Linh (Bình Thuận) lại gắn với sự tích ở miền biển này.
Ở ngay lối lên đỉnh Hòn Bà có một am thờ ông Cai, cạnh ngay gốc cây trôm già. Có một câu chuyện nhỏ: Người ta nói có một thương buôn khi cặp thuyền ghé đảo núp gió, rung động trước nhan sắc của người chủ đảo, không cầm lòng được nên đã lỡ lời thô lỗ, suýt vong mạng. Nhưng Bà đã tha thứ và người thương buôn này xin tình nguyện làm kẻ hầu hạ bà suốt đời.
Những tàn cây xanh cổ thụ với vô số khối đá muôn vẻ muôn hình, quanh năm xanh biếc như được đánh thức để định hướng cho những con thuyền khẳm đầy cá mực từ khơi xa về lại bến bờ. Hòn Bà, chiếc phao tin cậy cho những con thuyền mải mê trên ngư trường rộng lớn, hấp dẫn của nghề cá La Gi.
Dùng chiếc dao sắt hoặc viên đá để tự khai thác những con hào có bộ vỏ sần sùi bám trên gành đá ẩm mặn nhiều vô kể. Một chút muối tiêu, chanh đã đủ nghe hương vị của biển trời. Độc đáo là những con “vú nàng”, khi được luộc chín thì không còn thứ mỹ vị nào sánh được và phải nhớ mãi như kẻ tương tư…
Ngồi trên gành đá chân đảo nhìn qua làn nước biếc xanh như ngọc, thấy những chòm san hô lấp lành và từng đàn cá tôm hồn nhiên bơi lội dễ quên ta đang ở giữa biển mênh mông. Khung cảnh hữu tình như thế nên có lời ví von: “Hòn Bà là động tiên sa”. Điều đó thật thấm thía khi từ nơi đây nhìn vào đất liền bắt gặp mái phố La Gi và Đồi Dương xa tắp, mới cảm nhận hết điều kỳ diệu của thiên nhiên”.
Ngày 23 tháng 3 năm âm lịch hằng năm là ngày vía Bà, cũng là ngày lễ hội cầu ngư của người dân xứ biển địa phương.
Nguồn Sưu Tầm