Phú Quý: Nét duyên ngầm đảo xa
Là dân vạn chài, ăn sóng nói gió, thế nên người dân đảo Phú Quý, nhất là cánh đàn ông, mang một chất giọng sang sảng thật lạ, khác biệt hẳn với các vùng miền khác bởi âm vực cao, lối bỏ dấu nghe như chẳng có chút trật tự gì của tiếng Việt. Do vậy, những khách phương xa lần đầu đến du lịch đảo Phú Quý bao giờ cũng ngẩn tò te với những câu xã giao chào hỏi mà người bản địa bắt chuyện, rồi mắt tròn, mắt dẹt không biết phải trả lời thế nào, cho đến khi hiểu ra lại là một trận cười đau cả quai hàm vì âm vực đặc biệt của tiếng Việt nơi đảo Phú Quý.
Như gặp lại bạn xưa
Ở Phú Quý, du lịch chưa phải là một thế mạnh, thế nên chỉ cuốc bộ vài bước từ bến tàu trên con đường dẫn vào làng, dân đảo đã phát hiện ra ngay khách lạ, bắt chuyện làm quen, và không khó để nhận ra dân đảo nơi đây thật quý người.
Bởi mùa biển động, dù chỉ cách đất liền khoảng 120km nhưng chuyện bị cô lập một vài tháng là thường niên. Riêng với đám bạn lặn, những chuyến bám biển dài ngày ngoài khơi xa, khi trở về đảo, gặp được khách đất liền cứ như gặp lại những người bạn xa nhau từ lâu lắm, và thường tình nguyện trở thành những hướng dẫn viên tận tình đưa lữ khách đi khám phá những ngóc ngách tận cùng của Phú Quý.
Chuyến ra đảo Phú Quý lần này tôi gặp Được, một ngư dân vừa trở về sau chuyến đi bạn (đi biển) hơn nửa tháng, chỉ sau vài câu trò chuyện làm quen, vậy là thành bạn. Những câu chuyện kỳ thú về xứ đảo Phú Quý cứ thế mở ra theo những hành trình ngược xuôi của chúng tôi trên con đường quanh đảo.
Bắt đầu từ câu chuyện gia đình của Được với một vợ hai con, tôi hỏi: “Cưới nhau lâu chưa?”, Được cười khì bảo: “Dân đảo Phú Quý xưa giờ đâu có làm đám cưới, trai gái gặp nhau, mến nhau thì về chung sống thôi. Ông bà già tôi cũng vậy. Đến thời tôi cũng thế”. Thấy tôi đầy vẻ ngạc nhiên, Được nói thêm: “Dân đảo xưa nghèo lắm, làm gì đủ tiền tổ chức cưới. Rồi nhà nào cũng đi biển, có mời cũng lấy đâu người tham dự. Dạo gần đây, các cô giáo đất liền ra đảo dạy học, khi cưới thấy có tổ chức, nhưng nhỏ thôi. Phú Quý là đảo không đám cưới mà”.
Nét chân chất, thật thà cùng sự nhiệt tình của Được khiến những ngày ở Phú Quý chúng tôi không có lấy thời gian trống dành cho việc nghỉ ngơi. Ngay cả khi đêm về, một chuyến theo thuyền câu mực cùng dân đảo ra khơi, nhấp nhô cùng sóng nước để đem về những sản vật của biển là những chú mực nang, mực ống mập núc – đặc sản nổi tiếng của Phú Quý đã từng xuất hiện ở thị trường Nhật Bản, châu Âu từ hơn chục năm về trước. Nét quyến rũ ở Phú Quý còn là những rộn ràng của chợ cá nơi bến cảng buổi sớm tinh mơ, những con đường lãng mạn với hàng dương soi bóng, với những ngày được tận hưởng cuộc sống bình yên đến độ nghỉ trọ mà chẳng cần khoá cửa.
Những trải nghiệm khác lạ
Để ngắm toàn cảnh Phú Quý, Được đưa tôi đến hai điểm cao của đảo. Điểm đầu tiên là núi Cấm. Con đường cặp bờ biển không người qua lại. Ngay dưới chân núi Cấm là bãi biển cát trắng phau, trải dài cả cây số. Được cho biết đây là bãi tắm hấp dẫn của anh thời thơ ấu, với những ngày lên núi Cấm lấy củi, xuống núi khi chiều về là ra bãi tắm này cùng đám bạn vui đùa theo sóng nước, lượm san hô, vỏ ốc làm đồ chơi. Bỏ chiếc xe máy ven đường, chúng tôi theo những nấc thang lên đỉnh núi Cấm. Từ đỉnh núi – nơi có ngọn hải đăng bề thế cao đến 18m – toàn cảnh về những làng chài thấp thoáng, những bãi thuyền xa xa, cả vạt rừng xanh ngắt, tất cả hiện ra trong tầm mắt, tạo nên một vùng cảnh quan ngoạn mục, thanh bình, mang một vẻ đẹp hiếm gặp ở các vùng đảo khác.
Ngọn đèn biển núi Cấm quen thuộc với những ngư dân như Được, nhưng điểm cao lý tưởng mà anh yêu thích là núi Cao Cát ở địa bàn xã Long Hải. Từ chân núi, con đường mòn dẫn lên chùa Linh Sơn, thêm vài nấc thang đi tiếp lên đỉnh cao phía sau chùa, cả không gian biển trời mở ra, dưới chân là làng chài Long Hải, phía xa là hòn đen án ngữ. Điểm ấn tượng trên đỉnh Cao Cát là những phiến đá được thiên nhiên tác tạo, bào mòn, tạo nên các đường nét và hình thù kỳ dị.
Những điểm ngoạn cảnh hấp dẫn khác ở Phú Quý trong những ngày theo chân Được là những giây phút hoà trong làn nước xanh ngắt nơi doi cát ở vịnh Triều Dương, là những buổi chiều hóng gió nơi doi Thầy, chờ thuỷ triều rút dần để làm chuyến phiêu lưu vượt biển ra hòn đen, lạc vào một thế giới của những phiến đá được tạo nên từ các đợt phun trào núi lửa, định hình nên một không gian của đá, chơi vơi, lặng lẽ, nhưng đẹp và quyến rũ đến lạ lùng.
Có những danh thắng mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử từ Vạn An Thạnh – nơi lưu giữ bộ xương cá ông khổng lồ với chiều dài hơn 17m – đến Linh Quang Tự, đền thờ Công chúa Bàn Tranh. Có những bữa hải sản với các món “thương hiệu” của Phú Quý, với mực tươi, mực sữa muối, lẩu cá bớp ngon ngọt đến quên sầu… Tất cả góp thêm vào danh sách các điểm đến khác lạ của Phú Quý.
Rồi cũng đến lúc phải về lại đất liền, chia tay những vẻ đẹp nguyên sơ và tấm chân tình của dân đảo Phú Quý, chỉ thầm mong những nét duyên mặn mòi nơi đảo xa ấy sẽ chẳng bao giờ phai nhạt.
(Sưu tầm)