Chùa Ông Phan Thiết, ngôi chùa cổ linh thiêng của người Hoa

Di tích lịch sử

Chùa Ông Phan Thiết, ngôi chùa cổ linh thiêng của người Hoa

Chùa Ông Phan Thiết là ngôi chùa rất đặc biệt khi được người Hoa xây dựng không thờ Phật mà thờ Quan Vân Trường, một vị tướng kiệt xuất thời Tam Quốc. Với kiến trúc đẹp cùng với sự linh thiêng vốn có, điểm du lịch Phan Thiết – chùa Ông thu hút nhiều du khách gần xa viếng thăm, cầu nguyện bình an, may mắn.

Chùa Ông là ngôi chùa cổ của người Hoa trên mảnh đất Phan Thiết, nằm tọa lạc ngay tại đường Trần Phú, phường Đức Nghĩa, ngay sát chợ Phan Thiết. Căn cứ vào tài liệu chữ Hán còn lưu lại trên thanh xà, chùa được xây dựng vào năm 1770. Đây là một ngôi chùa mang nét đặc điểm riêng biệt, dù gọi là chùa nhưng lại không thờ Phật. Ban đầu, tên gọi đúng của chùa là “Đền Quan Công”, sau này mới gọi là chùa Ông. Ông ở đây là Quan Công, một nhân vật sống trong thời Tam Quốc, có ý nghĩa đối với lịch sử đất nước Trung Hoa. Người Hoa thờ Quan Công vì “ông tượng trưng cho danh dự, lòng chung thủy, sự hy sinh, độ lượng và đức chính trực công minh”.(Theo Người Lao Động).

Chùa Ông Phan Thiết có lối kiến trúc và nghệ thuật trang trí sắc sảo, mang đậm dấu nét đặc trưng của đất nước Trung Hoa. Nhiều dãy nhà được xây nối tiếp nhau tạo nên hình chữ Kim với diện tích khiến bất kì ai cũng phải choáng ngợp. Bên trong chùa, các kèo, cột được điêu khắc, chạm trổ rất công phu. Ở các cột chính có treo câu đối được chạm khắc, sơn son lộng lẫy.

Tại những nơi thờ cúng có tranh mô tả lại điển tích, điển cố rất tinh xảo của người Hoa. Đặc biệt, ở chùa Ông có nhiều bức hoành lớn được vận chuyển từ Trung Hoa về Việt Nam vào thế kỷ XIX, đẹp nhất là bức hoành Phi Đại Sự với màu sắc sặc sỡ, đường nét tinh tế, chân thực và vô cùng sống động.

Hiện nay, chùa Ông Phan Thiết còn lưu giữ lại nhiều chiếc chuông cổ được đúc tại Quảng Đông, có giá trị về lịch sử và nghệ thuật. Kiểu đúc và vật liệu của những chiếc chuông này gần giống với đại hồng chung của người Việt. Tuy nhiên, trên thân chuông có đường nét, màu sắc phong phú hơn, mang nét đặc trưng về nghệ thuật của nhân dân Trung Hoa.

Bên trong chùa không chỉ thờ Quan Công, chùa Ông còn có gian thờ bà Thiên Hậu, bà Thánh Mẫu Chúa Sanh cùng nhiều vị thánh trong thần thoại dân gian Trung Quốc. Nói về linh thiêng thì nơi đây là ngôi chùa linh thiêng bậc nhất miền duyên hải.

Nhắc đến chùa Ông Phan Thiết, người ta không thể không nhớ đến lễ hội Nghinh Ông được tổ chức hai năm một lần vào ngày rằm tháng bảy âm lịch. Đây là lễ hội nổi tiếng của Phan Thiết được du khách khắp nơi biết đến. Lễ hội này có ý nghĩa rất quan trọng đối với người Hoa ở tại mảnh đất Bình Thuận, nó thể hiện đức tin đối với Quan Thánh Đế Quân.

Điều đặc biệt ở lễ hội Nghinh Ông là phần lễ và hội hòa quyện với nhau, trong lễ có hội và trong hội có lễ, diễn ra trong ba ngày. Các lễ vật để dâng cúng ngày lễ bao gồm đèn, hương, hoa, quả, bánh ngọt,… bày lên các gian thờ thân linh mang đậm chất Phật giáo.

Lễ hội Nghinh Ông là sự hòa quyện giữa tín ngưỡng dân gian với tư tưởng Phật giáo, là nét văn hóa đặc sắc của người Hoa sinh sống ở Bình Thuận được giữ gìn và bảo tồn từ bao đời nay.

Không chỉ vào ngày lễ hội người dân mới tìm về mà còn vào dịp Tết Nguyên Đán, người Hoa ở Phan Thiết, người dân Phan Thiết cùng du khách khắp nơi đổ về chùa Ông để cúng bái, nguyện cầu cho một năm mới bình an, may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Đến với chùa Ông Phan Thiết, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng một ngôi chùa không có trụ trì mang dấu ấn thời gian với lối kiến trúc cổ tuyệt đẹp và nguyện cầu thần linh cho cuộc sống bình an, hạnh phúc. Vậy nên nếu đến với Bình Thuận, hãy dành một ít thời gian đến với chùa Ông, nơi đây sẽ mang lại cho bạn những phút giây yên bình giữa chốn nhân gian hiếm có!

(Sưu tầm)