Đình làng Đức Nghĩa và đình Làng Đức Thắng ở phố biển Phan Thiết
Với người dân Phan Thiết cũng như Bình Thuận, giữ gìn bản sắc văn hóa là một việc được vô cùng coi trọng. Bằng chứng là những lễ hội truyền thống nơi đây vẫn còn đang được tổ chức với các nghi lễ còn vẹn nguyên giá trị ban đầu, có thể kể đến như lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Kate, lễ hội Dinh Thầy Thím,… Không những thế, thành phố Phan Thiết cũng đang lưu giữ cho mình những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa cũng như tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống của người Việt. Đó là hai ngôi đình nổi tiếng xứ biển, đình làng Đức Nghĩa và đình làng Đức Thắng.
Đình làng Đức Nghĩa – Ảnh sưu tầm
Hai ngôi đình đều có cái tên bắt đầu từ chữ “Đức” và là những ngôi đền được xây dựng từ khá lâu. Trước đây, đình làng Đức Nghĩa được xây dựng ở vị trí gần đình làng Đức Thắng. Nhưng vì những lí do khách quan về yếu tố phong thủy địa lí nên dân làng đã quyết định dời đình về làng Thành Đức.
Cả hai có lối kiến trúc nghệ thuật khá giống nhau, ở những điểm như cổ lâu được chọn là phần có trang trí nghệ thuật đặc sắc nhất trong cả khu đình hay việc những người nghệ nhân sử dụng nghệ thuật ghép mảnh sứ, sành để tạo nên hình ảnh Tứ Linh, những phần dưới của mái hạ, các bờ nóc, bờ quyết cũng được chú trọng trang trí tỉ mỉ làm cho cả đình làng Đức Nghĩa và Đức Thắng đều mang vẻ vừa cổ kính, bề thế vừa trang nghiêm. Đây là vẻ đẹp chỉ có thể ngắm được qua những ngôi đình cổ xưa, được trân trọng gìn giữ qua nhiều thế hệ con người.
Tuy vậy, mỗi ngôi đình đều có những điểm đặc sắc riêng cần mỗi người chúng ta cẩn thận khám phá, tìm hiểu.
Đối với đình làng Đức Nghĩa thì đây là ngôi đình được xây dựng từ đầu những năm thế kỉ 19, nằm trên mỏm phía bắc của đồi cát trắng động làng Thiềng, có diện tích khoảng hơn ba ngàn mét vuông, hướng quay nhìn ra con sông Cà Ty (nay thuộc phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
Với lối kiến trúc hình chữ đinh (J) cùng với kĩ thuật xây dựng bằng đá, vôi vữa vững chắc, kĩ thuật chạm trổ cũng như sử dụng các họa tiết trang trí ngoại thất, nội thất sắc sảo, mềm mại, ngôi đình hiện lên cổ kính, uy nghi, dù trải qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp khi xưa giữa nơi đô thị hiện đại.
Đình làng Đức Nghĩa còn có nhiều bức hoành phi, câu đối bằng chữ Hán, một số công văn, giấy tờ báo cáo tình hình quân sự tại Bình Thuận của một viên quan họ Châu dưới triều Gia Long. Đặc biệt là 17 sắc phong của đời vua triều Nguyễn và 3 tờ chiếu, dụ viết từ giấy lụa màu vàng, hình rồng ẩn trong mây kèm chữ thọ, hạt châu,… Trong khuôn viên đình làng, có hai mộ của hai bậc tiền hiền là Nguyễn Văn Bàn và hậu hiền Nguyễn Văn cùng các gian thờ và miếu thờ Sơn Quân. Với những giá trị văn hóa và lịch sử như vậy, vào năm 1991, đình làng Đức Nghĩa đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Về đình làng Đức Thắng thì đây là một trong mười ngôi đình cổ lâu đời nhất Việt Nam, nay thuộc phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Có thể nói, ngôi đình này có quy mô bề thế nhất vào thời bấy giờ. Với lối kiến trúc dân gian “tứ trụ” nổi bật, đình làng Đức Thắng hiện lên trong tầm mắt bất kì ai một vẻ đẹp riêng biệt, vừa có chút gì đó cổ xưa, vừa có những nét bức phá khi có sự xuất hiện của những điểm mới như: các nóc đình hợp lại thành hình chữ Tam, hay những bức tranh dân gian, điển tích cổ xưa được đắp nổi, nhiều khám thờ, liễn đối, bao lam gỗ được các nghệ nhân sử dụng lối chạm lộng để thể hiện đề tài tạo nên những cảnh sắc sinh động, hấp dẫn ánh mắt người nhìn.
Đình làng Đức Thắng (Ảnh: Sưu tầm)
Sự nguy nga, kì công của ngôi đình khiến mọi người đến nơi đây đều phải ngạc nhiên và đặt ra câu hỏi: “Tại sao người xưa có thể tạo ra những tuyệt tác như thế này?” Đây quả thực là một công trình dân gian hoàn mĩ, về cả kiến trúc lẫn nghệ thuật điêu khắc và tạo hình. Những họa tiết trang trí với đủ hình tượng, từ lưỡng long tranh châu, kỳ lân, dơi, giao long, cá hóa long, thần tiên, sông núi, hoa lá,… được bố trí hài hòa, đẹp mắt vô cùng.
Bên trong đình làng (Ảnh: Sưu tầm)
Ngoài giá trị về kiến trúc, đình làng Đức Thắng còn mang trong mình những giá trị về lịch sử, văn hóa qua những tư liệu Hán – Nôm cổ, các di vật cổ xưa có giá trị về việc thờ phụng và cúng tế. Trong đó có 13 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ban tặng. Cùng với chùa Bà Đức Sanh và Vạn Thủy Tú, cả 3 di tích đang tạo nên một quần thể độc đáo ghi dấu bước chân lịch sử của tổ tiên người Phan Thiết – Bình Thuận trong quá trình khai hoang, lập địa, vun đắp những tấm lòng yêu mến quê hương đất nước, để lịch sử dân tộc mãi trường tồn với thời gian.
Song “Đức” của xứ biển Phan Thiết vẫn luôn sừng sững đứng đó, mong chờ những người con xa xứ, những người con dân tộc hay những người bạn tìm đến và về với những giá trị được gìn giữ cẩn thận bấy lâu nay, như một minh chứng cho sự vĩnh cửu của nền văn hóa dân tộc đầy tự hào. Vậy nên, nếu có dịp du lịch Phan Thiết, xin hãy dành thời gian đến với Đức Nghĩa và Đức Thắng để có một chuyến đi trọn vẹn nhất nhé!
Nguồn sưu tầm
Lai Đỗ