Lễ cúng Giàng của người K’ho Đông Tiến
Thành lệ, từ tháng 3 trở đi, trước khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống núi rừng, đồng bào K’ho ở xã Đông Tiến, Hàm Thuận Bắc làm lễ cúng Giàng, thần núi, thần rừng, thần rẫy và tổ tiên… những vị thần đã giúp bà con bội thu mùa màng trong năm cũng như cầu xin Giàng cho một năm mới được no cái bụng.
Nhà sàn tre, nơi bày các lễ vật.
Điểm cúng là tại nương rẫy. Lễ vật thường là con bò, con heo nhưng gần đây lễ vật có phần đơn giản gồm thịt dê, gà, cơm nếp và các món ăn quen thuộc của đồng bào…
Tại nơi cúng, đồng bào dựng một nhà sàn nhỏ bằng tre có 2 tầng để bày lễ vật. Tầng trên đặt lễ vật cúng Giàng. Tầng dưới, ở bên trái đặt lễ vật cúng thần núi, thần rừng, thần rẫy, còn bên phải đặt lễ vật cúng ông bà tổ tiên (thần nhà).
Trước nhà sàn dựng các cây tre cao khoảng 2m, theo đồng bào là chỗ để các vị thần ngự trong quá trình diễn ra lễ. Trên đỉnh của mỗi cây tre có chòm lá nhỏ xòe ra hình chiếc dù, biểu tượng cho ngôi nhà của các vị thần. Phía dưới cây nêu là các song tre như hàng rào ngăn cách giữa thế giới thần linh và thực tại. Trên các song tre này được quệt máu của các con vật cúng tế thần.
Già làng và thầy cúng đang hành lễ.
Nghi thức cúng rất trang trọng. Phần đầu là dâng lễ vật. Máu của các con vật tế thần được quẹt vào lá cây xung quanh rẫy rồi để máu ấy chảy xuống cây nêu. Sau khi lễ vật được bày trang trọng trên nhà sàn tre thì già làng và thầy cúng bắt đầu cúng tạ ơn các vị thần trong khói hương nghi ngút. Dân làng dự lễ đều được thầy cúng làm phép, ban sự may mắn, bình an sau khi uống một loại nước do thầy cúng trực tiếp trao.
Năm nay, anh K’ Văn Dàng ở thôn 2 mời bà con trong xã dự lễ cúng Giàng với gia đình. Anh Dàng có 1,6 ha rẫy. Năm 2014 anh làm 3 vụ bắp lai, đậu, mè đều trúng lớn. “Mình phải cúng các vị thần giúp mình và mời bà con chòm xóm ăn chén cơm, uống ly rượu”, anh Dàng vui vẻ chia sẻ với chúng tôi.
Ngoài lễ vật dâng các vị thần, anh K’ Văn Dàng còn nấu nhiều món ăn để đãi bà con như: dê xào sả, lòng dê nấu đắng, gỏi tiết dê trộn chuối non… Những người phố thị như chúng tôi lần đầu tiên được mời thưởng thức các món ăn này không thể không nói rằng: quá đỗi thơm ngon và đặc biệt, ít ra là hương vị của một số gia vị của núi rừng.
Có rất nhiều người đến rẫy chia vui với anh Dàng. Và hầu như bà con nào cũng dúi vào tay vợ anh Dàng vài chục đến trăm ngàn như là góp thêm chút ít với vợ chồng anh.
Sau lễ cúng là múa tạ ơn Giàng. Những người con của núi rừng hàng ngày quen với nương rẫy, trong dịp này đã thể hiện rõ họ là những vũ công chuyên nghiệp của núi rừng.
Trong tiếng khèn trầm bổng, tiếng phèng la, tiếng trống rộn rã, bà con múa theo nhịp điệu, khi khoan thai, khi nồng nhiệt say mê. Mỗi điệu múa chứa nội dung khác nhau, song đều phản ánh ước vọng của con người trước thiên nhiên cũng như cầu mong thần linh ban phước cho mùa màng bội thu, cuộc sống an lành.Lễ cúng Giàng trước mùa rẫy của đồng bào K’ho vùng cao Đông Tiến là nét văn hóa độc đáo, được đồng bào trân trọng và gìn giữ như một bản sắc của dân tộc mình.