Mũi Né qua di tích xưa

Di tích lịch sử

Mũi Né qua di tích xưa

 Mũi Né  có lịch sử khá lâu đời. Tìm về những di tích xưa, chúng ta có dịp  biết thêm lịch sử hình thành của đất này.

Ngày nay, nói đến Phan Thiết, không thể không nhắc đến Mũi Né, bởi đây là địa danh du lịch nổi tiếng của cả nước. Khi du lịch chưa phát triển, Mũi Né  là địa phương có ngành nghề đánh bắt hải sản lâu đời.

 Tên gọi của người bình dân

Đi dọc bờ biển của Phan Thiết, chúng ta có thể nhận ra một dải đất kéo dài ra biển ở phía xa. Dải đất ấy còn gọi là mũi đất, giúp cho ghe thuyền của ngư dân tránh gió, tránh bão mà theo ngôn ngữ bình dân  tức là “né” được gió bão. Vào mùa Nam, ghe thuyền né bên bãi trước; mùa bấc thí né ở bãi sau. Cũng từ đó, dân gian đặt cho mũi đất là Mũi Né, trong văn tự gọi là Vị Nê.

Bãi trước Mũi Né, TP Phan Thiết.

Theo những người có tuổi, ông bà tổ tiên của họ vào đây lập nghiệp từ thời xa xưa, khi đất phương Nam thuộc về quyền quản lý của các chúa Nguyễn và nhất là sau thời Tây Sơn. Cũng như các địa phương ven biển khác của tỉnh Bình Thuận,  dân cư ở Mũi Né đa số  là từ các miền Trung, gọi chung là Ngũ Quảng. Họ vào đây làm nghề biển là chủ yếu. Ban đầu dân ít, sau đông dần lên.

 Đình làng Khánh Thiện

Những người đầu tiên đến Mũi Né đã không quên xây dựng  đình làng… Trong kháng chiến chống Pháp, đình  làng đã bị  giở đi. Một thời gian sau,  một người giàu có trong vùng đã hiến đất xây dựng đình ở địa điểm hiện tại. Năm 1958, được đại tu lấy tên chữ là Khánh Thiện.

Đình làng Khánh Thiện.

Đình làng Khánh Thiện vừa cổ kính vừa hiện đại… So với các đình làng cổ,  đình Khánh Thiện được xây dựng sau, nên ít họa tiết và trang trí hoa văn. Cột cây và cửa  đình được làm bằng gỗ. Tường làm bằng gạch vữa, có quét vôi, lợp ngói âm dương. Cụ Lê Hồng Anh, cao niên ở Mũi Né, kể: “Đình Khánh Thiện xây dựng lại năm nào không rõ, chỉ biết 1958 là năm trùng tu. Thợ là người ở đây. Hồi trước mấy ổng lấy dây tơ hồng với cây lưỡi long đốt đi, sau đó trộn với vôi để xây dựng”.

 Đình làng Thạch Long

Ở Mũi Né còn có một ngôi đình khác là Thạch Long. Ban đầu, Thạch Long là một ấp nhỏ thuộc làng Khánh Thiện, sau khi dân  đông lên, Thạch Long được tách ra thành một làng riêng.  Theo nhiều tài liệu, đình làng Thạch Long có hơn 200 năm nay.

Đình làng Thạch Long.

Qua thời gian, đình bị xuống cấp, không còn nguyên vẹn. Năm 2007, nhân dân trong làng đã xây lại  đình với vật liệu kiên cố.

Đình Thạch Long hiện còn giữ nhiều sắc phong do các vua Nguyễn ban tặng. Đó là những di vật có giá trị về mặt lịch sử, chứng minh về sự hình thành lâu đời của đơn vị hành chính “làng” trên vùng đất này. Trải qua nhiều thế hệ, các sắc phong vẫn được  người dân gìn giữ. Qua đó, người đời sau biết thêm về quá khứ, quý trọng những gì mà cha ông  đã dày công bồi đắp cho con cháu hôm nay.  

Lời kết

Mũi Né qua thời gian đã có nhiều thay đổi. Gần 20 năm trở lại đây, từ khi có sự kiện Nhật thực toàn phần 24/10/1995, Mũi Né trở nên nổi tiếng, là miền đất du lịch hấp dẫn với các khu nghỉ mát ven biển, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Mũi Né nay được cả thế giới biết đến, đó cũng chính là niềm tự hào của nhân dân khắp vùng.

 NGUYỄN QUỐC