“HÒ BÁ TRẠO” VĂN HÓA LÀNG CHÀI XỨ PHAN

Văn hóa lễ hội

“HÒ BÁ TRẠO” VĂN HÓA LÀNG CHÀI XỨ PHAN

Mũi Né là một địa điểm du lịch khá nổi tiếng trong và ngoài nước hiện nay. Là một nơi nghỉ dưỡng, du lịch, có nhiều món ăn đặc sản nhưng không phải ai cũng biết về ngày lễ hội cầu ngư nổi tiếng tại đây, có tên gọi là “Hò Bá Trạo” đây là lễ hội dân gian của ngư dân vùng biển. Hãy cùng Làng theo dõi xem lễ hội này có gì đặc biệt nhé!

Du lịch Mũi Né nhiều lần nhưng bạn đã được xem “HÒ BÁ TRẠO” và hiểu được ý nghĩa tâm linh của nét văn hóa đó chưa ?

Tọa lạc trên đường Ngư Ông, thành phố Phan Thiết, dinh Vạn Thủy Tú là một di tích có từ lâu đời (1762) với vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm. Nơi đây còn là nơi lưu giữ bộ xương cá Ông lớn nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á và là nơi lễ Cầu ngư thường diễn ra vào 20/6 âm lịch với nhiều nghi lễ dân gian ý nghĩa, đầy màu sắc. Ngư dân có niềm tin mãnh liệt vào sự linh thiêng của cá Ông và coi đây là vị Thần phò trợ, giúp họ vượt qua những hiểm nguy trên biển.

Theo tài liệu cổ ghi lại, dinh Vạn Thủy Tú chỉ là một căn nhà gỗ lợp mái lá đơn sơ. Sau đó được người dân tôn tạo thành nhà tường gạch và mái làm bằng ngói với tổng diện tích 500m2. Nơi đây đã trải qua lịch sử 250 năm nhưng đứng vững với thời gian cho đến hiện tại. Dinh cũng là nơi kết nối văn hóa cũng như trao cho nhau những giá trị truyền thống của ông bà ta qua nhiều lễ hội điển hình là lễ hội Hò Bá Trạọ.

Người ta tin rằng lễ cầu ngư Ông này giúp cho con người cuộc sống mưu sinh gắn liền với biển, gắn liền với hiểm nguy có thể vượt qua sóng gió biển khơi và ban cho họ một nguồn sinh kế dồi dào, cuộc sống ấm no. Chính vì thế Lễ hội cầu ngư hay còn được gọi là “Hò Bá Trạo” không chỉ là lễ hội dân gian của ngư dân vùng biển mà còn là nơi thể hiện nét văn hóa tín ngưỡng của người dân, làm tăng thêm tinh thần cộng đồng trong mỗi người dân. 

Nét đặc sắc trong lễ hội cầu ngư Phan Thiết là hò múa Bá Trạo, vừa là nghi thức tế lễ vừa là hoạt động nghệ thuật trong hội lễ cầu ngư. Hò Bá Trạo gắn liền với tục thờ cúng cá Ông, được trình diễn trong các lễ hội của cư dân vùng biển. Theo các nhà nghiên cứu, bá là trăm, trạo là chèo, và từ “bá trạo” dùng để chỉ tất cả những người bạn chèo (cũng có người cho rằng phải viết là “bả trạo”, với nghĩa: bả là nắm chắc).

Đội Hò Bá Trạo gồm 20 người mặc đồ truyền thống của người dân vùng biển thời xưa có màu sắc bắt mắt không lẫn vào đâu kèm theo tổng lái, tổng mũi, tổng khoang vừa chèo vừa hò theo âm nhạc tạo nên tổng thể

Bá Trạo là một hoạt cảnh múa hát, thể hiện những sinh hoạt, lao động của ngư dân như: Chèo thuyền, đánh lưới, những khó khăn khi ngư dân ra khơi như: gặp giông bão… hoặc đặc tả cảnh đưa rước linh hồn Cá Ông – Nam Hải Đại Tướng Quân về lăng trong những ngày lễ hội qua những câu hát theo làn điệu hò khoan. Ngoài ý nghĩa biểu dương công đức cũng như tỏ lòng thương tiếc của ngư dân đối với cá Ông, nghệ thuật hát múa bá trạo còn mang một nội dung khác đó là thể hiện những tâm tư, tình cảm của ngư dân trước cuộc sống đầy thách thức giữa biển cả. Đồng thời, phản ánh ước vọng cuộc sống an lành, no đủ của cộng đồng ngư dân Phan Thiết.

Nguồn sưu tầm

https://langchaixua.com