Một lần “lạc trôi” đến hồ Đa Mi-Bình Thuận
Ẩn mình giữa cánh rừng Đa Mi bạt ngàn và trùng điệp núi đá xanh là hồ Đa Mi đẹp như tranh vẽ. Lòng hồ thiên tạo độc đáo này sẽ lãng đãng hơn khi mùa mưa đến. Trong con mưa núi bất ngờ, tôi chợt thấy mình như đang “lạc trôi” đến một tiên cảnh giữa thiên nhiên Hàm Thuận Bắc hùng vĩ.
Hồ Đa Mi; Ảnh: Nguyên Vũ
Với diện tích mặt nước gần 200 héc-ta được bao bọc bởi gần 20 ngọn núi lớn nhỏ khác nhau, hồ Đa Mi trông càng kỳ bí và quyến rũ. Dù đứng ở một triền đồi rộng mà người địa phương gọi là “sân bay”, hay từ một ngôi chùa nhỏ ven núi tôi đều lặng người trước vẻ thư thái đến ngỡ ngàng của mặt hồ mênh mông màu ngọc bích. Đã vậy, giữa sự bình yên của sắc xanh ấy còn xuất hiện nhiều nốt lặng là những cù lao vàng nâu như một bức tranh thủy mặc đủ sức hấp dẫn để níu chân không chỉ tôi mà chắc chắn còn với mọi du khách.
Đa Mi. Thật ra là Đạ Mí mới đúng tên gọi. Theo tiếng K’ho, Raglay, Đạ nghĩa là nơi có nước, Mí là tên riêng. Đạ Mi là sông Mi, con sông tạo nên hồ Đạ Mi. Trước kia, Đa Mi thuộc Đồng Nai, về sau thuộc huyện Di Linh (Lâm Đồng) và hiện thuôc xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc – Bình Thuận. Hồ Đa Mi nằm giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 90 km và cách thành phố Bảo Lộc gần 60 km. Từ thành phố Phan Thiết đi theo đường ĐT22, QL55 rồi băng qua những con đường đèo ngoằn nghèo sẽ đến hồ Đa Mi xanh biếc giữa núi rừng bao la.
Tạm xa cái chói chang và náo nhiệt của thành phố đến với hồ Đa Mi, không chỉ tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ, mà còn tận hưởng đủ đầy cái se lạnh của miền sơn cước, cảm nhận trọn vẹn không gian ngập tràn bình yên, hòa nhịp thở với những đồi cà phê, luống chè, vườn cây ăn trái thơm ngọt và những cụm hoa rừng ngát hương… tôi thấy mình như đã “lạc trôi” mất rồi!
Nguyên Vũ