Trường Dục Thanh Phan Thiết và bí ẩn di tích quốc gia hơn trăm tuổi
Trường Dục Thanh Phan Thiết là một trong những ngôi trường nổi tiếng của nước ta. Trường có bề dày hơn 100 năm gắn liền với lịch sử. Ngôi trường này được xem là cái nôi đầu tiên của tri thức Việt. Trường Dục Thanh cũng là địa điểm thu hút nhiều khách tham quan ở Phan Thiết hiện nay.
1. Giới thiệu về Trường Dục Thanh Phan Thiết
1.1 Vị trí
Năm 1907, trường Dục Thanh được xây dựng trên phần đất của gia đình cụ Nguyễn ở làng Thành Đức, Phan Thiết. Trường nằm bên cạnh con sông Cà Ty. Đây là dòng sông chảy qua cả trung tâm thành phố Phan Thiết, lấy nước từ sông Cái và chảy về các xã xung quanh. Hiện nay, địa chỉ của trường nằm ở số 39 đường Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Nếu không tìm thấy đường vào trường, bạn chỉ cần hỏi người dân đường ra sông Cà Ty nhé!
Cổng trường Dục Thanh Phan Thiết
Các bạn trẻ chụp hình lưu niệm ở cổng trường
Khách chụp hình ở gian nhà lớn của trường
1.2 Nguồn gốc
Đầu thế kỷ 20, phong trào Duy Tân được truyền bá khắp Trung Kỳ. Hưởng ứng phong trào này, nhiều sĩ phu yêu nước đã chủ trương chống bạo lực, tiếp nhận cải cách nhằm nâng cao dân trí. Năm 1907, hưởng ứng phong trào Duy Tân, các sĩ phu yêu nước ở Bình Thuận đã thành lập trường Dục Thanh.
Trường Dục Thanh Phan Thiết
Bảng tên trường Dục Thanh Phan Thiết
Trường còn gọi là Dục Thanh Học Hiệu nghĩa là giáo dục các thanh thiếu niên. Mục đích của trường là giúp con em của những lao động nghèo được đi học, nhằm nâng cao dân trí nước nhà.Trường có 2 dãy nhà lớn được dùng làm phòng học. Một căn nhà nhỏ có lầu gọi là Ngọa Du Sào là nơi để tiếp khách, làm thơ, bàn việc. Ngoài ra, còn có nhà Ngự là nơi ở của các thầy và học trò ở xa đến học.
1.3 Tổ chức của trường
Các thành viên thành lập Liên Thành Thương Quán
Liên Thành Thương Quán hay còn được gọi là công ty Liên Thành là tổ chức kinh doanh của những người con tri thức yêu nước ở Bình Thuận. Tổ chức này bao gồm các ông Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh, Hồ Bá Tang, Ngô Văn Nhượng, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất. Lúc bấy giờ, phong trào Duy Tân có 3 cương lĩnh là “Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinh”. Tương ứng với các cương lĩnh trên, 3 tổ chức sau đã được ra đời.
- Trường Dục Thành (1907): nhằm nâng cao dân trí, cải cách giáo dục và giúp cho con em lao động được đến trường.
- Liên Thành Thư Xã (1905): tuyên truyền và cổ vũ, đồng thời truyền bá các sách báo có nội dung yêu nước cho nhân dân.
- Liên Thành Thương Quán (1906): là quỹ kinh tế giúp cho các tổ chức hoạt động, cũng như tạo thêm được công ăn việc làm cho người dân.
1.4 Hoạt động của trường Dục Thanh
Trường Dục Thành là một trong ba tổ chức đã được thành lập trên.Trường hoạt động nhờ vào huê lợi của 10 mẫu điền do ông Huỳnh Văn Ðẩu và quỹ kinh tế Liên Thành Thương Quán tài trợ. Giám hiệu trường là ông Nguyễn Quý Anh. Trường có 4 lớp học, với số lượng khoảng 60 học sinh và 7 thầy giáo. Các học sinh của trường chủ yếu là từ Sài Gòn, Đà Nẵng và một số nơi khác về học. Kỉ luật của trường khá nghiêm ngặt. Chương trình học của trường được trường Đông Kinh Nghĩa Thục biên soạn. Trường được xem là trường học tư thục tiến bộ nhất Trung Kỳ lúc bấy giờ.
Hồ sen ở trường Dục Thanh Phan Thiết
2. Trường Dục Thanh có gì bên trong?
Trường Dục Thanh sử dụng gian nhà gỗ lớn để làm phòng học. Gian nhà được trang bị đầy đủ để phục vụ cho việc dạy học của thầy và trò. Gian nhà gồm có 2 bảng đen, bộ bàn ghế cho giáo viên và học sinh. Nhà Ngư và Ngoạ Du Sào được đưa vào làm nhà nội trú và nơi tiếp khách, bình thơ, phục vụ cho cho thầy và trò ở trường. Theo thời gian đồ đạc trong các dãy nhà đã bị xáo trộn, không còn nguyên vẹn như xưa. Nhưng hiện nay, trường đã được tu bổ và sắp xếp lại nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách.
Bảng tên Ngọa Du Sào ở trường
Lớp học trường Dục Thanh
Bộ bàn ghế đặt ở phòng học
Trong khuôn viên trường Dục Thanh còn có những di tích sót lại như giếng nước, cây khế…. Mà hầu hết, khách tham quan đều thích thú khi đến thăm nơi đây. Sau bao năm, cái giếng nước nhỏ nhắn nằm sau Ngoạ Du Sào vẫn mát và ngọt như ngày nào. Cây khế do cụ Nguyễn Thông trồng vẫn còn xanh tốt, xum xuê cành lá. Tuổi thọ của cây khế này nếu tính ra tới nay đã được hơn 100 tuổi. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều cây si và hàng cây xanh đã được trồng lâu năm. Mọi thứ luôn được chăm sóc, bảo vệ nhằm lưu giữ lại giá trị của ngôi trường vang tiếng một thời này.
Giếng nước vẫn còn được lưu giữ đến bây giờ
3. Trường Dục Thanh nơi bác Hồ từng dạy học
Năm 1910, nhờ sự giới thiệu của ông Trương Gia Mô bạn của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Bác Hồ đã về dạy học tại trường Dục Thanh. Bác là người thầy giáo trẻ tuổi nhất ở trường. Bác dạy chữ Quốc Ngữ và Hán Văn là chủ yếu. Thời gian rảnh, bác còn dạy thể dục, dẫn các học trò đi du ngoạn các địa điểm nổi tiếng ở Phan Thiết. Đồng thời, truyền bá tinh thần yêu nước, tinh thần hiếu học cho các học trò của mình.
Hai dãy nhà của trường Dục Thanh
Một trong những người học trò thành danh đã được bác Hồ trực tiếp giảng dạy là Nguyễn Kinh Chi. Ông là một bác sĩ có tài và có đức. Ông là thứ trưởng bộ Y tế nước ta ở Quốc hội khóa I – IV. Trong suốt thời gian giảng dạy tại trường, bác Hồ cũng đã giúp cho nhiều học trò thành tài. Tháng 2 năm 1911, bác Hồ rời trường vào Sài Gòn, chuẩn bị cho việc tìm đường cứu nước. Cũng cuối năm đó, ông Nguyễn Quý Anh phải chuyển vào Sài Gòn và vì một số lý do khách quan nên trường đóng cửa.
Sách nói về thời gian bác Hồ giảng dạy ở trường Dục Thanh
Hiện nay, ngôi trường này vẫn còn lưu lại nhiều kỉ vật của bác Hồ.Từ những đồ dùng cá nhân như bộ ván gỗ để nằm ngủ, khay, ly uống nước, chiếc tủ đứng đựng đồ của bác vẫn được giữ nguyên. Cả những đồ dùng để bác dạy học như bộ trường kỷ, chiếc án thư, tráp văn thư, nghiên mài mực… tất cả đều được sắp xếp gọn gàng.
4. Di tích lịch sử – văn hóa trường Dục Thanh Phan Thiết
Ngày nay, khi du lịch ở Phan Thiết ngày càng phát triển. Khách du lịch không chỉ đến thăm quan những địa điểm vui chơi, tắm biển…. Mà khu du tích trường Dục Thanh còn là một trong những địa điểm thu hút được hàng ngàn khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm.
Giấy chứng nhận trường Dục Thanh là di tích lịch sử
Trường Dục Thanh không chỉ là ngôi trường học xưa, cổ kính. Nơi đây còn lưu giữ những giá trị về tinh thần hiếu học cũng như yêu nước của người dân Phan Thiết, Bình Thuận. Đồng thời, cũng là nơi bác Hồ đã từng dạy học trước khi bác lên đường tìm đường cứu nước. Ngôi trường này là di tích lịch sử cần được bảo vệ, giữ gìn để không bị hư hại với thời gian.
5. Giá vé khu di tích trường Dục Thanh
Đoàn khách ghé thăm trường Dục Thanh
Khu di tích trường Dục Thanh Phan Thiết là nơi tham quan miễn phí. Bạn có thể gửi xe máy hay ô tô của mình ở cổng bên của trường. Nếu khách đi theo đoàn cần hướng dẫn viên thì có thể liên hệ văn phòng của bảo tàng. Hướng dẫn viên ở đây đều là người dân địa phương, họ sẽ giúp bạn hiểu thêm những giá trị về ngôi trường hơn 100 tuổi này.
Khu di tích trường Dục Thanh là một trong những địa danh nổi tiếng của Phan Thiết. Mặc dù nơi đây không mang tính chất vui chơi, giải trí nhưng lại chứa đựng đầy ý nghĩa lịch sử. Nếu có dịp đến với thành phố Phan Thiết, bạn hãy ghé thăm nơi đây nhé!