Khu di tích Dục Thanh Bình Thuận

Di tích lịch sử

Đến với Khu di tích Dục Thanh Bình Thuận – Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Bình Thuận chúng ta như trở về với cuộc sống của những nhà nho yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trở về với những giá trị truyền thống của ông cha, với những ngôi nhà lợp ngói âm dương, những đồ dùng sinh hoạt bằng gỗ được trạm trổ như tràng kỷ, tủ chè… đồ vật sinh hoạt đặc trưng của tầng lớp nhà nho dưới chế độ phong kiến. Ngọa Du Sào, nơi uống trà, đọc sách, ngâm thơ, đàm đạo là hình ảnh rất quen thuộc của những nhà nho yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi mà đất nước đang bế tắc con đường cách mạng.

Các di tích lịch sử văn hóa đều chứa đựng những giá trị văn hóa. Là một di tích lưu niệm lớn về cuộc đời của một danh nhân văn hóa thế giới, khu di tích Dục Thanh ngoài những giá trị về mặt lịch sử, còn mang nhiều giá trị văn hóa, về đạo đức, về nhân cách, về tư tưởng. Bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Anh hùng giải phóng dân tộc và đồng thời là nhà văn hóa kiệt xuất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, được sống trong tình thương yêu của gia đình, trong sự đùm bọc, che chở của tình làng nghĩa xóm. Đó là nguồn gốc cho sự hình thành tư tưởng yêu nước thương dân và lòng nhân đạo cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những kỷ vật về những tháng ăn, ở cùng đồng nghiệp và học trò ở nhà Ngư thể hiện phong cách sống giản dị, hòa mình với quần chúng nhân dân của Nguyễn Tất Thành khi từ chối ở Ngọa Du Sào, nơi ở tốt nhất do gia đình cụ Nguyễn Thông bố trí.

Những di tích, những hiện vật ở Trường Dục Thanh, ở Ngọa Du Sào, ở nhà Ngư, giếng nước, cây khế, bức bình phong, hòn non bộ, ao sen, cây cối, đường đi lối lại trong vườn tất cả còn đọng lại hình ảnh thầy giáo Nguyễn Tất Thành với phong cách giản dị, yêu lao động, hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh, say mê học tập, nghiên cứu.

Thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại những tình cảm sâu sắc và tốt đẹp đối với các thế hệ nhân dân Bình Thuận. Có thể nói, khu di tích Dục Thanh nơi bảo tồn những di vật lưu niệm về thời thanh niên, về những tháng ngày trước khi xa Tổ quốc tìm đường cứu nước, một cái mốc quan trọng trong cuộc đời của một con người cũng như đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Khu di tích Dục Thanh có rất nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, tư tưởng, đạo đức và nhân văn. Do khu di tích Dục Thanh có tính nguyên gốc cao, vì vậy khu di tích có sức thuyết phục mạnh mẽ. Đến với khu di tích Dục Thanh chúng ta được tiếp xúc, được hiểu biết về một di sản mang nhiều giá trị, là chúng ta được thăm cội nguồn cái nơi mà trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh trên con đường tìm đường cứu nước đã dừng lại dạy học, truyền bá tư tưởng yêu nước và cũng là nơi học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, khẳng định quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Đến thăm di tích chúng ta còn cảm nhận được một giai đoạn lịch sử thông qua những hiện vật, sự kiện gắn bó với thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với những giá trị lịch sử – văn hóa, giá trị khoa học và nhân văn, khu di tích Dục Thanh mãi mãi sẽ là đề tài vô tận cho các công trình nghiên cứu, cho mọi sáng tạo văn hóa văn nghệ về cội nguồn văn hóa và nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt là hình ảnh người thầy với tình thương yêu, gần gũi, hết lòng chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng cho học sinh mãi mãi là tấm gương sáng cho mọi thế hệ thầy cô giáo Việt Nam noi theo. Ngày nay Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Việc nghiên cứu, tìm hiểu, học tập về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Đến với khu di tích Dục Thanh để hiểu sâu hơn về những đức tính cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ nếp sống giản dị, chân thật, đến lòng yêu nước thương dân thể hiện qua di tích, qua những bài giảng còn để lại qua ký ức của những học trò mà Người đã dạy sẽ có tác động trực quan đến việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Ngày nay, khu di tích Dục Thanh – Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Bình Thuận đã trở thành một trung tâm nghiên cứu, tuyên truyền về Hồ Chí Minh, đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng đối với thế hệ trẻ của địa phương cũng như cả nước.

 

Nguồn (/www.vhttdlkv3.gov.vn)